Quảng Nam là tỉnh Duyên Hải thuộc vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, Việt Nam. Quảng Nam có khoảng 140 km biên giới đường bộ tiếp giáp với nước bạn Lào và có hơn 125 km đường biển để giao thông với các nước. Hiện tại Quảng Nam có 02 cửa khẩu Quốc tế đường thủy là Cảng Kỳ Hà và Cảng Tam Hiệp.Về đường bộ có 01 cửa khẩu Quốc gia Nam Giang, 01 cửa khẩu phụ Tây Giang (Kà Lừm) và có 01 sân bay Chu Lai không ngừng phát triển để trở thành sân bay Quốc tế trong tương lai. Chính vì có địa bàn rộng lớn và có đầy đủ các loại hình cửa khẩu như: Đường bộ, đường thủy, hàng không, …. Hoạt động của Khoa Kiểm dịch Y tế - Quốc tế luôn gặp rất nhiều khó khăn, song với sự nổ lực phấn đấu mà hoạt động Kiểm dịch Y tế - Quốc tế qua các năm luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, khoa Kiểm dịch Y tế - Quốc tế thực hiện theo đúng các nội dung quy định trong Điều lệ Y tế Quốc tế 2005 của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời thực hiện việc bảo vệ chủ quyền biên giới về mặt y tế theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 25/06/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về Kiểm dịch Y tế biên giới và tuân thủ đúng quy trình kiểm dịch của Bộ Y tế. Theo nội dung những văn bản quy định của pháp luật, công việc Kiểm dịch Y tế - Quốc tế được thực hiện tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng hải và đường hàng không. Ở những vị trí đầu tiên khi tiếp xúc với phương tiện, hành khách, hàng hóa... xuất, nhập, quá cảnh tại các cửa khẩu, biên giới. Kiểm dịch Y tế - Quốc tế là cơ quan y tế trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp y tế do Nghị định về kiểm dịch y tế biên giới qui định tại khu vực phụ trách. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của bệnh dịch đối với cộng đồng để đánh giá bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các tiêu chuẩn bao gồm: Tính chất lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng; Tỷ lệ chết/tỷ lệ mắc cao bất thường; Hội chứng mới phát hiện; Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chính trị và gây chú ý trên các phương tiện thông tin đại chúng; Bệnh lây lan rộng làm hạn chế thương mại và du lịch. Các bệnh thuộc diện Kiểm dịch Y tế - Quốc tế bao gồm: Các bệnh truyền nhiễm nhóm A, Bại liệt, Cúm A (H5N1), Dịch hạch, Đậu mùa, Sốt xuất huyết (do vi rút Ebola, Lassa, Marburg), Sốt Tây Sông Nin, Sốt vàng, Tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút SARS, các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Đối tượng của Kiểm dịch Y tế - Quốc tế bao gồm: Mọi người, mọi phương tiện vận tải và những vật thể có khả năng mang bệnh, truyền bệnh từ vùng đang có hoặc lưu hành bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu đều phảu chịu sự giám sát của cơ quan kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu. Trong trường hợp bị cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phát hiện đang nhiễm hoặc mang véc tơ làm lây truyền bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 25/6/2018 thì phải chịu sự kiểm dịch tại khu vực kiểm dịch đã được quy định. + Mọi người: Bao gồm hành khách, cán bộ, học sinh, sinh viên, thủy thủ, phi hành đoàn, nhân viên làm việc trên các phương tiện vận tải đường bộ, trong các nhà hàng, khách sạn ở khu vực cửa khẩu hàng không, nhà ga, bến cảng, nhân viên làm việc trong các cơ sở sản xuất, chế biến bữa ăn trên máy bay…kể cả thi hài, hài cốt và tro cốt; + Mọi phương tiện: Bao gồm tàu thủy, máy bay, tàu lửa, ô tô, thùng chứa…; + Mọi vật thể: Mẫu máu, phủ tạng người, bệnh phẩm y tế, tóc người, hàng hóa phi mậu dịch, thực phẩm, quần áo, vật dụng đã qua sử dụng…; + Mọi động vật: Có biểu hiện bị mắc, mang mầm bệnh hoặc vectơ truyền bệnh đối với các bệnh dịch hạch, dịch tả, sốt vàng và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác mới phát sinh theo quy định của Bộ Y tế. Những công việc Kiểm dịch Y tế - Quốc tế: Tiến hành kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý dịch bệnh tại các cửa khẩu. Kiểm dịch viên y tế phải tiến hành đồng bộ các công việc: + Kiểm tra y tế đối với tất cả các đối tượng phải kiểm dịch nhập, xuất, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới; xử ký y tế đối với các đối tượng phải kiểm dịch đến từ vùng có dịch hoặc nghi ngờ có dịch dựa vào thông tin vùng dịch của Cục Y tế Dự phòng để xử lý thông tin và phân loại các yếu tố nguy cơ; + Tiêm chủng, cấp giấy chứng nhận tiêm chủng các loại vaccine bắt buộc hoặc theo yêu cầu thực tế của mỗi quốc gia mà hành khách đến; + Kiểm tra, giám sát vệ sinh các nhà hàng, khu vực cửa khẩu, cơ sở cung ứng nước, thực phẩm cho phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; điều tra, giám sát các véc tơ truyền bệnh tại các khu vực cửa khẩu; + Lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm đối với đối tượng nghi nhiễm các bệnh thuộc diện Kiểm dịch Y tế - Quốc tế; Thống kê báo cáo tình hình Kiểm dịch Y tế - Quốc tế thường quy và khi có dịch. Hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Cảng vụ Hàng Hải, Công an cửa khẩu, Bộ đội biên phòng, Hải quan cửa khẩu, các đại lý, các đại diện hãng, chủ hàng hóa, phương tiện. Hiện nay, giữa các cơ quan hữu quan tại các cửa khẩu gắn kết chặt chẽ với nhau bằng các bản quy chế phối hợp hoạt động, đánh giá lại hàng năm trong các cuộc họp giao ban định kỳ trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như trong công tác quản lý nhà nước. Khoa Kiểm dịch Y tế - Quốc tế tổ chức triển khai thực hiện thu phí theo đúng Thông tư số 240/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính. Để tạo thuận tiện cho các tàu, cơ quan, tổ chức, đại lý tàu và các đối tượng kiểm dịch. Khoa đã tham gia các hoạt động cải cách hành chính gồm: + Tham gia giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia tại cửa khẩu đường thủy; + Tham gia làm thủ tục kiểm dịch Y tế tàu thủy tại Văn phòng Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Nam; + Tham gia các hoạt động kiểm dịch y tế theo đúng thủ tục hành chính cấp tỉnh tại Quyết định số 3763/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 và Quyết định số 3400/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam. Công tác thông tin dịch bệnh được cập nhật thường xuyên, kịp thời từ cấp trên và các kênh thông tin nhằm áp dụng các biện pháp giám sát, phát hiện các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc tại các cửa khẩu, tránh dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào nội địa. Tăng cường hợp tác quốc tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, các đối tượng kiểm dịch có mang vật chủ, vật trung gian truyền bệnh, các vật thể mang mầm bệnh truyền nhiễm cũng như các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.

Phan Văn Bửu