Trong những năm qua, việc triển khai điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho những bệnh nhân HIV trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả vô cùng thiết thực và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. ARV không những giúp cho người bệnh cải thiện được sức khỏe tốt, sống khỏe mạnh hơn mà việc điều trị ARV cho những phụ nữ nhiễm HIV có nguyện vọng sinh con còn giúp họ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thay lời muốn nói
Theo báo cáo từ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, tổng số phụ nữ nhiễm HIV trên toàn tỉnh được phát hiện là 145 bệnh nhân; tổng số phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV là 145/145 bệnh nhân, đạt 100%; trong 5 năm trở lại đây số bà mẹ nhiễm HIV có thai được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn tỉnh là 09/09 bà mẹ đạt 100%;
Y sĩ Nguyễn Thị Nguyên Em, Nhân viên Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam là một trong những cán bộ y tế có thâm niên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Bản thân chị đã nhiều lần tiếp xúc, tư vấn cho nhiều trường hợp bệnh nhân HIV nên chị hiểu, cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Chị tâm sự “Là bệnh nhân nhiễm HIV nhưng cũng như bao cặp vợ chồng bình thường khác, khát khao được làm cha, làm mẹ; khát khao được có đứa con bi bô mỗi ngày cho vui cửa, vui nhà là một mong ước bình thường và rất chính đáng của họ. Và việc điều trị ARV cho những phụ nữ nhiễm HIV đã mở ra cho họ cơ hội và cũng chính là giải pháp giúp họ thực hiện ước nguyện sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh”.
Chính nhờ sự thấu hiểu, chia sẻ đầy cảm thông, trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh nhà mà những bệnh nhân HIV đã bước qua được rào cản mặc cảm để bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình cho những y, bác sĩ – những “tri kỷ” mà họ tin tưởng, yêu quý. Bác sĩ CKI Đỗ Trường Lưu – Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết: “Sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội đã làm cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cảm thấy tự ti, mặc cảm, không dám công khai. Chính vì vậy mà nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng cao hơn. Nhưng khi đến với “ngôi nhà chung” - Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, nhận được tư vấn, điều trị về chuyên môn, sự đồng cảm về hoàn cảnh; họ đã bộc bạch, thổ lộ tất cả với chúng tôi. Chúng tôi hiểu họ, tôn trọng và sẻ chia với họ. Họ tin tưởng, và gửi gắm tâm tư, tình cảm nơi chúng tôi. Chính vì vậy mà số lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tìm đến chúng tôi ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong đó có nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng như phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đó là điều chúng tôi mong muốn cũng như vui mừng nhất vì một thế hệ mầm non không có HIV”.
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi
Thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay (Từ ngày 01/6/2020 – 30/6/2020) với chủ đề “ Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức các hoạt động truyền thông trực quan, cổ động… tại 18/18 huyện, thị, thành phố với các khẩu hiệu tuyên truyền như: “Không có vi rút HIV trong máu mẹ - Không lây truyền HIV cho con”; “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”; “Bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời!”; “Điều trị thuốc ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!”…
Ts. Bs. Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam nhấn mạnh: “Nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay, chúng tôi tăng cường các hoạt động truyền thông. Chúng tôi mong muốn cộng đồng xã hội có những nhận thức cũng như cái nhìn đúng đắn để bao dung hơn với bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS, đặc biệt là các bệnh nhân nữ bị nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV để họ bước qua được mặc cảm, tiếp cận các dịch vụ điều trị, dự phòng lây truyền HIV cho con”.
“Vì tương lai con em chúng ta, những phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai cần đến Bệnh viện đa khoa Quảng Nam để được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”. Bác sĩ Lưu chia sẻ thêm./.
Phúc Hải