TS.BS Trần Văn Kiệm - GĐ CDC Quảng Nam
Vắc xin giúp bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Vắc xin đã đã cứu hàng triệu mạng người mỗi năm và được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới là biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất hiện nay.
Trong làn sóng đại dịch COVID-19 gần đây, vắc xin phòng COVID-19 đã và đang chống lại sự lây lan của vi-rút gây bệnh khắp toàn cầu. Tuy nhiên, đã có các trường hợp tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 vẫn dương tính với SAR-CoV-2 khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng. Nếu không nắm được cốt lõi của vấn đề, chúng ta dễ hoang mang và nghi ngờ vào hiệu quả của vắc xin.
Hiệu quả Vắc xin phòng COVID-19?
Tiêm Vắc xin phòng COVID-19 tức là giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Vì thế, khi vi-rút xâm nhập vào cơ thể, kháng thể sẽ tiêu diệt nó khiến người đó không mắc bệnh. Nếu người nào tạo miễn dịch chưa đầy đủ, kháng thể trong cơ thể sẽ tiêu diệt một phần virus SARS-CoV-2 khiến lượng vi-rút khi bị nhiễm trong cơ thể người được tiêm cũng thấp hơn lượng vi-rút trong cơ thể của những người chưa tiêm vắc xin.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, khi có từ trên 75% người dân trong khu vực/địa phương chích ngừa vắc xin thì khu vực đó đã đạt miễn dịch cộng đồng, người dân trong khu vực đạt miễn dịch cộng đồng sẽ không phải quá lo lắng, sợ hãi khi đối mặt với dịch bệnh COVID-19
Vắc xin có bảo vệ tuyệt đối người tiêm và cộng đồng trước đại dịch?
Câu trả lời ở đây là không:
Lý do thứ nhất: cũng như tất cả các loại khác, vắc xin COVID-19 đều không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bắt đầu có tác dụng bảo vệ và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 14 ngày trở đi thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu khoảng 70% đến hơn 90% tùy theo loại vắc xin. Như vậy vẫn còn một tỷ lệ nhỏ người tiêm đủ 2 liều vắc xin vẫn mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong số người đã tiêm 2 mũi vắc xin mắc bệnh thì trên 90% sẽ được bảo vệ, chỉ nhiễm bệnh thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, không cần thở oxy,... số ít còn lại khoảng 10% bệnh diễn biến nặng hơn nhưng cũng hạn chế tối đa tử vong. Những trường hợp bệnh nặng có nhiều lý do, trong đó không phải trường hợp nào kháng thể cũng có thể bảo vệ được cơ thể trước tác động của vi-rút, với người lớn tuổi tỉ lệ bảo vệ có thể thấp hơn.
Lý do thứ 2: đối với cộng đồng, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi-rút và lây bệnh cho người khác”.
Vắc xin với biến thể Delta:
Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn và nhanh hơn so với các biến thể trước đó của vi-rút gây bệnh COVID-19, nó có thể gây tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đây ở những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên ở người đã tiêm chủng vắc xin vẫn có khả năng làm giảm nguy cơ cả biến thể này. Vắc xin có hiệu quả cao để phòng bệnh và hạn chế nhập viện và tử vong.
Vậy cần lưu ý gì để vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả bảo vệ tốt nhất
Người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Với người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 cũng cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100%, nhưng theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, đây vẫn là vũ khí hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa COVID-19 hiện nay.