Ts.Bs Trần Văn Kiệm–

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam

            Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Sở Y tế; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các Cục, Vụ, Viện, Bộ Y tế; sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức viên chức, trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) đã thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả đạt được

            Tính từ 01/01/2023 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 231 ca COVID-19, cụ thể: 231 ca bệnh cộng đồng, 00 ca lây nhiễm thứ phát (đã được giám sát, cách ly trước khi phát hiện), 0 ca xâm nhập từ các tỉnh và 0 ca nhập cảnh.

            Tính đến nay, không xảy ra các loại dịch nguy hiểm như: Cúm A/H5N1, Tả, dịch Hạch, Liên cầu lợn, Zika… trên địa bàn tỉnh. Hầu hết 28 bệnh truyền nhiễm có số mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Một số bệnh tăng, trong đó, Sốt xuất huyết ghi nhận 2.216 ca mắc ở 165 xã/phường/thị trấn tại 18/18 huyện/thị/thành phố, số mắc giảm 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (16.614 ca mắc/01 TV); phát hiện và xử lý 42 ổ dịch tại 32 xã/phường/thị trấn, giảm so với cùng kỳ năm 2022 (305 ổ dịch); theo đó, CDC đã tham mưu các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh về truyền thông giáo dục, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi chủ động Hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết" lần thứ 13 năm 2023. Nhìn chung, Sốt xuất huyết giảm sâu so với cùng kỳ, tuy nhiên, số mắc theo tuần có xu hướng tăng nhẹ. Bệnh Tay chân miệng, tính đến nay ghi nhận 1.145 ca mắc gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (549 ca mắc), 01 ổ dịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, số mắc cao nhất ở tuần 30 và giảm dần các tuần cuối năm. Bệnh nhân Sốt rét (BNSR) mới phát hiện 03 ca, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (03/01ca), không có trường hợp BNSR ác tính, tử vong.

9 11 sot xuat huyet 3 1667980871003600385902

            Hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như: Đái tháo đường, Tăng huyết áp, Ung thư tiếp tục duy trì. Mạng lưới phòng chống BKLN tại tuyến xã với việc kết hợp nguyên lý y học gia đình và quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị các BKLN. Số bệnh nhân Tăng huyết áp mới phát hiện là 10.785, tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022 (10.438 ca), quản lý điều trị 67.405 người mắc bệnh Tăng huyết áp; bệnh nhân Đái tháo đường mới phát hiện là 3.214 ca, tăng 1,58% so với cùng kỳ năm 2022 (3.164 ca), quản lý điều trị 20.124 người mắc; Tổng số phụ nữ Ung thư cổ tử cung (K.CTC) được khám 1.208 người, số phụ nữ được làm test VIA/VILY: 1.208, âm tính: 1.208. VIA (+) không phát hiện trường hợp nào; các ca bệnh lý cần can thiệp và khám chuyên sâu đều được tư vấn và giới thiệu lên tuyến trên khám và điều trị.

            Công tác phòng và chống rối loạn do thiếu Iod được chú trọng, đã có 1.630 học sinh 8 - 10 tuổi được khám, phát hiện 48 em nghi ngờ mắc bệnh Bướu cổ, chiếm 2,9%, trong đó, Bướu giáp độ IA, Bướu giáp khác (không có thùy phải tuyến giáp) là 33 em (69%); Bướu giáp nhân/hỗn hợp 15 em (31%). Tỷ lệ mắc Bướu cổ thấp, đạt mục tiêu chương trình phòng chống Bướu cổ đề ra (mục tiêu tỷ lệ Bướu cổ học sinh từ 8-10 tuổi ≤ 8%). Bệnh nhân phát hiện mắc BKLN, tùy từng trường hợp cụ thể để được tư vấn, giới thiệu tuyến trên, xác định chẩn đoán và đưa vào chương trình quản lý, theo dõi, điều trị tại địa phương.

            Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tiếp tục được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 81,2% kế hoạch năm; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24h cho trẻ sơ sinh đạt 100 % kế hoạch năm; tiêm đủ AT2+ cho phụ nữ có thai đạt 81,8 % kế hoạch năm; tiêm chủng các loại vắc xin Sởi 2/MR đạt 70,6 % kế hoạch năm; tiêm chủng vắc xin DPT4 đạt 56,3 % kế hoạch năm; tiêm chủng vắc xin VNNB đạt 94,4 % kế hoạch năm; tiêm chủng vắc xin IPV đạt 80,7 % kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã giám sát phát hiện 45 ca chết sơ sinh, không phát hiện ca sốt phát ban nghi Sởi/Rubella. Các bệnh Ho gà, UVSS, Sởi, Rubella không xảy ra.          

            Các hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản được duy trì triển khai thường xuyên tại các cơ sở y tế được triển khai ngay từ đầu năm, kết quả đạt được cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em duy trì hiệu quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi 20% 20,80%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi 11% DTTS: 5% 9,50%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500gram) 8% 1,2%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh 80% 97.0%; tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu 25% 87,3%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được cung cấp viên sắt/folic/đa vi chất từ khi mang thai đến 1 tháng sau sinh 70% 94,4%; tỷ lệ trẻ 6-60 tháng được uống vitamin A 90% 99,4%; tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ tham gia thực hiện chương trình tuyến tỉnh, huyện xã… 

            Công tác Phòng chống HIV/AIDS được thực hiện thường xuyên, tính đến thời điểm hiện tại, số trường hợp nhiễm HIV còn sống 584, số bệnh nhân đang điều trị nghiện là 462, giảm so cùng kỳ 2022; số bệnh nhân nhiễm HIV phát hiện mới là 40, giảm hơn 1 ca so cùng kỳ 2022; không có ca tử vong do HIV/AIDS; Bên cạnh đó, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tiếp tục mang lại hiệu quả đối với người nghiện, tuy nhiên, số người tham gia điều trị có phần chững lại. Nhìn chung, công tác phòng, chống HIV/AIDS triển khai tốt từ tỉnh đến cơ sở, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang được khống chế…

Phương hướng nhiệm vụ năm 2024

            Năm 2024, CDC Quảng Nam đặt ra những mục tiêu quan trọng để thưc hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cáo sức khỏe nhân dân.

             Mục tiêu lớn nhất vẫn là chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; quản lý các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh về vệ sinh lao động, phòng chsống bệnh nghề nghiệp; giảm tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.

            Đối với hoạt động phòng chống Sốt xuất huyết, CDC Quảng Nam tập trung chủ động triển khai các biện pháp cụ thể để phòng chống bệnh Sốt xuất huyết, không để lây lan trên diện rộng; thường xuyên kiểm tra, giám sát các ổ dịch, khu vực nguy cơ cao và triển khai vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, kịp thời phun hóa chất dập dịch có hiệu quả; tập huấn cho chuyên trách tuyến huyện.

            Hiện nay, Sốt rét có nguy cơ tăng cao và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện loại trừ Sốt rét ở các huyện đủ điều kiện như: Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Quế Sơn; mở rộng điều tra, điều trị ca bệnh và ổ bệnh khi mới được phát hiện; không để Sốt rét xảy ra trên diện rộng; không có trường hợp Sốt rét ác tính và tử vong do Sốt rét.

            Các bệnh không lây nhiễm tiếp tục triển khai với các hoạt động phòng chống cụ thể như: tập huấn bệnh không lây nhiễm cho tuyến huyện; khám Bướu cổ và truyền thông tư vấn cho học sinh 8 - 10 tuổi; khám sàng lọc và truyền thông tư vấn phòng chống bệnh KLN; hỗ trợ cầm tay chỉ việc: chẩn đoán, quản lý, điều trị, tư vấn, thống kê báo cáo tại 6 trạm y tế sau khi khám sàng lọc; giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tuyến; tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá hoạt động/dự án tháng.

            Tiêm chủng vẫn được xem là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, năm 2024, chúng tôi duy trì các hoạt động tiêm chủng nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo công tác an toàn trong tiêm chủng; giữ vững các kết quả đã đạt được tiến tới khống chế, thanh toán và loại trừ một số bệnh đã có vắc xin phòng ngừa; cập nhật và quản lý đối tượng tiêm chủng trên phần mềm hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia; duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ Uốn ván sơ sinh; đảm bảo kỹ thuật dây chuyền lạnh các loại vắc xin từ các tuyến; dự kiến triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng trước khi nhập học để tổ chức tiêm bù.

            Tiếp tục thực hiện giám sát hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản; tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách; thực hiện công tác thống kê báo cáo định kỳ hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản; công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung tổ chức tập huấn nội dung liên quan đến dinh dưỡng của các Chương trình mục tiêu quốc gia và Y tế dự phòng - Dân số. Tham mưu Sở Y tế để chỉ đạo triển khai một cách thống nhất hoạt động liên quan đến nội dung dinh dưỡng thuộc các chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh (Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện triển khai có hiệu quả các hoạt động theo hướng dẫn của chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở...

            Tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động Y tế trường học; vệ sinh môi trường; phòng, chống HIV/AIDS; kiểm dịch Y tế - Quốc tế; sức khỏe môi trường; các hoạt động Vệ sinh lao động; bệnh nghề nghiệp,… Đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với người dân để giúp bà con chủ động phòng bệnh hiệu quả./.