Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 "như chống giặc" đầy cam go, quyết liệt hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc với ngành Y tế để chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh. Không chỉ là những y bác sỹ trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 mà còn có những "chiến binh" thầm lặng ngày đêm truy vết F, kiên định với mục tiêu: Phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Những "chiến binh" thầm lặng
Mỗi ngày chúng ta lại hồi hộp chờ đợi thông tin từ Bộ Y tế, các báo đài thông báo về số ca dương tính với SARS-CoV2, rồi ai nấy đều trong tâm trạng lo lắng. Thế nhưng lo lắng của chúng ta cũng chỉ là cái lo riêng, còn với những cán bộ làm công tác dịch tễ, những "chiến binh" âm thầm không ngại ngày đêm, truy vết các F, quyết tâm ko bỏ sót các F có nguy cơ lây lan trọng cộng đồng với tinh thần quyết liệt và chính xác.
Bs CKI Huỳnh Công Quang - PGĐ CDC Quảng Nam cho biết, cái khó nhất là tiếp xúc điều tra dịch tễ các F, từ F0 cho đến F1, F2,… Khi có thông tin về ca bệnh hay có dấu hiệu dịch tễ, Ban Lãnh đạo trao đổi nhanh qua điện thoại, zalo rồi giao việc cho các Đội phản ứng nhanh của đơn vị lập tức chia ra các nhánh phối hợp với các địa phương, y tế cơ sở đi điều tra, nắm thông tin, truy vết, lấy mẫu, xâu chuỗi để kịp thời đưa ra phương án dập dịch triệt để, hiệu quả nhất.
BS Huỳnh Công Quang giám sát lấy mẫu XN
Thế nhưng mấy ai hiểu hết được tính chất công việc của cán bộ điều tra dịch tễ. Họ phải thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với đối tượng F1 nguy cơ cao để nắm thông tin, điều tra, truy vết nhưng "Đôi khi người khác thấy lại bảo mấy anh em chúng tôi đi nhông nhông ngoài đường chớ có làm chi đâu (cười), vì họ không hiểu được công việc của chúng tôi đang làm. Nhưng thực sự thì chúng tôi làm việc không ngơi nghỉ để điều tra, truy vết, rồi sau đó báo cho tổ báo cáo ở nhà tổng hợp thông tin các ca nghi ngờ, kịp thời báo cáo cho tuyến trên trước khi Bộ Y tế công bố ca dương tính. Tổ báo cáo của CDC chúng tôi đa số là chị em nữ, lại thường xuyên làm việc tới 11h - 12h đêm mới xong việc; điện thoại, zalo chúng tôi phải mở suốt 24/24h để nhận chỉ đạo chống dịch của Lãnh đạo đơn vị,…". - Bs Nguyễn Trung Hiếu, công tác tại Khoa Bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Nam tâm sự.
Là người đi chống dịch xuyên suốt từ đầu mùa dịch đến giờ (kể cả đợt dịch lần đầu tiên), Bs Dương Quốc Thảo - CDC Quang Nam chia sẻ: "Trời thì nắng nóng mà tụi em mặc bộ đồ bảo hộ cả ngày để khai thác thông tin lịch trình của các F0 để từ đó truy vết F1, F2,… Nhưng dù làm việc luôn cả buổi trưa, không có giờ nghỉ ngơi nhưng chúng tôi không thấy khó khăn bằng việc mình đến gặp đối tượng điều tra thì họ lại trốn tránh, không cho gặp hay tiếp xúc, đơn giản vì họ sợ đưa đi cách ly chị ạ. Đây là cái khó nhất với anh em chúng tôi trong việc xác định họ là F mấy để tiếp tục truy vết,…. "
Chị Nguyễn Thị Thanh Trà - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, được phân công là đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 2 của CDC thường xuyên cùng với các thành viên trong Đội đi điều tra dịch tể, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở lao động, kiểm tra các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, giám sát hướng dẫn mọi người vệ sinh cá nhân, thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trong các khu đó. Chị cho biết: ""Anh em chúng tôi đi là lúc sáng tinh mơ, tối mịt mới về, có khi 9-10h đêm mới về, làm xuyên trưa là chuyện thường tình vì các cơ sở lao động nghỉ lệch giờ, giờ họ nghỉ là giờ mình ăn trưa, có khi chúng tôi ăn chung với công nhân luôn vì các khu công nghiệp xa khu dân cư, ra ngoài cũng không có ai bán gì để ăn nên anh em cũng tự nhắc nhau: "Mình đi chống dịch nên phải hết sức cẩn thận, cố gắng để không bị nhiễm bệnh thì mới chống được dịch"
Cán bộ CDC đi điều tra dịch tể, truy vết,...
Quyết liệt chống dịch, "mềm dẻo" động viên nhau
Ngay sau khi nhận thông tin ca dương tính 428 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, 104 cán bộ y tế (cbyt) tuyến đầu chống dịch của Trung tâm Y tế và 13 cbyt ở các Trạm y tế xã,phường và phòng phòng khám quân dân y xã đảo Tân Hiệp xung phong "ra trận", tiến hành truy vết F0. Bs Nguyễn Thị Ngọc Anh - GĐ TTYT thành phố Hội An - Phó Ban thường trực chỉ đạo phòng chống dịch Covid của TP Hội An chia sẻ: "Từ ca bệnh 428, chúng tôi thành lập 4 đội phản ứng nhanh, ứng chiến 100%, 6 cán bộ ghi quyết định, nhận thông tin, phân loại các F, điều xe đón, đưa F1 đến khu cách ly; tổ chức giám sát, thu thập thông tin, lập danh sách F1, F2 và tiến lấy mẫu xét nghiệm (XN). Khi phát hiện thêm 5 ca dương tính là con của BN 428. Mệt mỏi, lo lắng, hồi hộp đến căng não nhưng anh chị em làm việc với tinh thần quyết liệt, nỗ lực hết sức không kể ngày đêm để truy vết các F, quyết tâm ko bỏ sót các F có nguy cơ lây lan trong cộng đồng trên tinh thần quyết liệt và chính xác,…"
"Hết ngày nhưng chưa bao giờ hết việc. Cùng chị em tớ Quyết truy vét CoVid tới cùng!,… Rã rời sau những ngày làm việc đầy áp lực, những ngày chỉ biết nhìn nhau cười. Vậy thì... Cùng cười và chiến tiếp thôi. Kiên cường nhé các cô gái! - đó là những dòng tự động viên nhau và tấm ảnh chụp chung với ba nữ đồng nghiệp từ Facebook của Bs trẻ Nguyễn Thảo Ly (CDC Quảng Nam) lúc 00h39p.
Hình ảnh chị em chia sẻ động viên nhau trên fb
Chị Nguyễn Hoàng Ny - TTYT Hội An tâm sự: "Trực tiếp chứng kiến tất cả anh chị em dù đang ăn cơm mà nghe có thông tin ca bệnh hay nghi ngờ là bỏ chén dừng ngay mà chạy thấy thương lắm chị ạ. Hầu như tất cả anh chị em trạm y tế không về nhà, ăn ở trực 24/24h tại trạm để sẵn sàng nhận nhiệm vụ, mở điện thoại 24/24, nhận thông tin là chạy ngay, ,… Mặc dù vất vả, nhiều lúc đuối sức nhưng được sự động viên, chia sẻ kịp thời của Lãnh đạo nên anh em cũng an tâm, vững chí hơn. " Bs Anh điều hành ok lắm chị ạ. Chỉ đạo đi kèm động viên, chỉ mềm dẻo, tâm lý nên anh em có động lực và dốc hết sức lực, nhiệt huyết trong chống dịch,…" Chị Ny chia sẻ thêm.
Là "thủ lĩnh" của CDC Quảng Nam, Ts. Bs Trần Văn Kiệm cho hay, từ ngày có dịch đến nay chưa ngày nào anh được ngả lưng buổi trưa, ngủ chỉ được mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, điện thoại, zalo liên tục rung chuông vì tình hình luôn nóng, phải xử lý, giải quyết công việc gấp rút. Thế nhưng ông vẫn luôn đau đáu vì anh em cơ quan quá vất vả, đặc biệt là các cán bộ nữ vì có rất nhiều cán bộ nữ tham gia "cuộc chiến" này. "Xác định tinh thần chống dịch là "chống giặc" là vào chỗ nguy cơ cao nhưng chị em phải gác lại mối lo gia đình, con cái để lo cho sự an nguy, sức khỏe của cộng đồng. Vì thế, nhiều đồng nghiệp không thể có một “nụ hôn” với đứa con thơ, không có câu chuyện vui đùa với con nhỏ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già… Chúng tôi vẫn hiểu hết những điều đó nhưng chỉ có thể là những cuộc điện thoại, những tin nhắn động viên nhắc nhở anh chị em giữa gìn sức khỏe, cẩn thận trong công việc để anh em yên yên tâm "chiến đấu". Tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch một ngày không xa!" - Ts Kiệm chia sẻ thêm.
TRƯỞNG HOA