Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Vân

Phó Giám đốc CDC Quảng Nam

Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ đang nuôi con bú khá cao, thậm chí cao hơn so với thời kỳ đang mang thai. Suốt 9 tháng thai kỳ, những loại thực phẩm bạn dung nạp chính là nguồn cung cấp dưỡng chất cho cả bạn lẫn em bé. Nhưng sau khi sinh, chế độ ăn uống cũng quan trọng không kém, bởi nó giúp cơ thể bạn phục hồi và cung cấp năng lượng cần thiết để chăm sóc thiên thần bé nhỏ của bạn.
Đảm bảo tính đa dạng về thực phẩm
Theo Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, Bộ Y tế, sau khi sinh, người mẹ cần cho con bú sớm (trong vòng 1h đầu sau sinh), cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
Trong giai đoạn sau sinh - nuôi con bú, chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng tốt giúp bà mẹ có đủ sữa nuôi con. Vì vậy, bà mẹ sau sinh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động, nghỉ ngơi khoa học và có tâm lý thoải mái.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã khẳng định dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng nhất định tới lượng sữa và thành phần vi chất có trong sữa mẹ. Cụ thể, nếu chế độ ăn uống của người mẹ thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin A, D và B1 thì sữa mẹ cũng sẽ thiếu các vitamin này. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu đời, lượng kháng thể của trẻ được cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho người mẹ sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật tốt nhất cho bé. Những trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất, có sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng và khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây.
Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM), nhất là trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh, chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cần đảm bảo cho người mẹ tiết đủ sữa với chất lượng tốt để NCBSM và duy trì tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của chính mình.

20220529 082206 703495 Phu nu sau sinh mo 1 .max 800x800
Chế độ ăn nhiều hơn về số lượng (đủ nhu cầu) và đảm bảo tính đa dạng thực phẩm (có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm/bữa chính). Thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng. Khẩu phần cả ngày của bà mẹ cho con bú nên chia làm nhiều bữa trong ngày (3-6 bữa/ngày). Uống đủ nước: 1,5 - 2 lít nước/.
Nhu cầu năng lượng của bà mẹ trong thời kỳ nuôi con bú còn phụ thuộc vào tình trạng hoạt động thể lực và mức tăng cân trong thời kỳ mang thai, cụ thể:
Người mẹ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, đạt mức tăng cân từ 10-12kg: Cần ăn nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu năng đạt mức 2260 Kcal/ngày đối với người lao động nhẹ và 2532 Kcal/ngày đối với người lao động trung bình.
Người mẹ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng chưa tốt, có mức tăng cân ít hơn 10kg: Cần phải cố gắng ăn nhiều và đa dạng hơn các loại thực phẩm khác nhau trong chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng khi đang nuôi con bú.
Nhu cầu về chất đạm (Protein): Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam: Trong 6 tháng đầu, ăn thêm 19 g/ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 79 g/ngày. Trong 6 tháng tiếp theo, thêm 13 g/ngày, nên tổng lượng chất đạm cần cung cấp trong 1 ngày là 73 g.
Lượng protein động vật nên đạt ≥ 35% protein tổng số. Trong chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú, mẹ nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lượng cao như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…Số lượng đạm trong thực phẩm có thể ước tính như sau: cứ 100 g thịt/cá cung cấp khoảng 20 g đạm (protein), 100 g đậu phụ cung cấp khoảng 10 g đạm. Mẹ cho con bú nên sử dụng 6,5 đơn vị sữa/ngày (uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai). Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.
Nhu cầu chất béo (Lipid): Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 25-30% năng lượng khẩu phần. Trong chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú, khuyến khích mẹ sử dụng các chất béo có nhiều các axit béo không no chuỗi dài nhiều nối đôi như omega 3, omega 6, EPA, DHA (có nhiều trong một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé. Cứ 1g chất béo sẽ cung cấp năng lượng vào khoảng 9 Kcal.
Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥ 320 g trái cây, ≥ 320 g rau củ/ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón.
Một số lưu ý khác về dinh dưỡng cho mẹ sau sinh
Sau khi sinh, bạn không nên kiêng khem khắt khe mà ngược lại, cần ăn uống đầy đủ, đa dạng để cơ thể được cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất.
Sinh nở khiến bạn mất một lượng máu lớn, dẫn đến hiện tượng thiếu máu, thiếu sắt. Vì vậy, cần bổ sung sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Sắt có nguồn gốc động vật: có trong các loại thực phẩm như gan, thịt bò, thịt gà, hải sản có vỏ cứng, trứng…Sắt có nguồn gốc thực vật: từ đậu phụ, các loại đậu, rau sẫm màu (cải bó xôi, bông cải xanh, rau cải ngọt…)
Khi cho con bú, các loại thực phẩm bạn ăn có thể truyền qua nguồn sữa cho bé. Vì vậy hãy cẩn thận với các loại thực phẩm như: Rượu bia: hệ tiêu hóa và hệ thần kinh của bé còn rất non nớt, cần được bảo vệ khỏi bất kỳ lượng rượu bia nào dù nhỏ. Trà, cà phê: không nên uống quá nhiều loại thức uống này khi đang cho con bú, bởi chúng chứa chất kích thích có thể khiến bé bứt rứt, khó chịu, không ngủ được. Cá chứa thủy ngân: thủy ngân trong sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của bé, vì vậy nên hạn chế ăn những loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá kiếm, cá mập.
Bạn cần theo dõi phản ứng của bé sau khi bạn ăn một loại thực phẩm nào đó, bởi có thể chúng khiến bé bị dị ứng với những biểu hiện như: Không bú tốt, không tăng cân đều. Tiêu chảy, khó tiêu. Nổi mẩn đỏ (quanh miệng, ở má, nếp gấp tay hay chân…) . Sưng mắt, môi hay mặt. Chảy nước mũi. Nôn trớ
Mỗi bé có thể nhạy cảm với những loại thực phẩm khác nhau. Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng gồm: thịt bò, sữa bò, trứng, các loại động vật vỏ cứng như sò, tôm, cua,…