“Dịch Covid-19 đã đẩy chúng ta vào cuộc chiến, bất luận gái, trai, hay già, trẻ, tất cả cộng đồng phải vào cuộc. Phải thật cẩn trọng, đúng với quy trình chống dịch, nhưng không ai có thể lường hết được những gì có thể xảy ra, nhưng chúng tôi chấp nhận sự hy sinh, nếu điều không may xảy ra” - chị Trà nói.
Tham gia cuộc chiến thứ 2 này, ThS Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường của CDC nhận nhiệm vụ trưởng đội II - Đội cơ động phản ứng nhanh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với 11thành viên, họ tham gia điều tra, giám sát dịch tể, lấy mẫu xét nghiệm, phối hợp với địa phương làm nhiều nhiệm vụ khác, mấy ngày nay họ đang tại tâm dịch huyện Duy Xuyên.
Nhật ký gửi về và cảm nhận của chúng tôi.
Bên trong bộ đồ phòng hộ kín mít này là tư thế chống dịch luôn sẵn sàng, đôi lúc khẩn trương đến mức tóc chưa vào búi.
Thanh Trà đang làm nhiệm vụ đưa đối tượng F1 vào khu cách ly xã Duy Tân
Việc phải tắm mình trong hóa chất là chuyện bình thường hằng ngày khi họ làm nhiệm vụ.
Khử khuẩn bảo hộ sau khi lấy mẫu, truy vết tại Duy Trinh
Chấp nhận hàng giờ để thực hiện phân luồng, gọi tên từng trường hợp giữa trưa nắng chói chang trong đồ bảo hộ nóng bức, chấp nhận đen da, cháy nắng bởi với họ nhanh chóng khẩn trương, chính xác là trên hết.
Đọc tên đối tượng đưa lên xe vào khu cách ly xã Duy Tân
Hàng ngày họ khoát lên mình bộ đồ phòng hộ kín mít cùng với lĩnh khỉnh thiết bị như que, mẫu, ống thủy tinh,… trong phòng xét nghiệm đã khó, ngoài trời còn khó gấp nhiều lần, lại trong tư thế bảo hộ, mắt nhìn qua 2 lớp kính. Chưa nói, nếu là bệnh phẩm Covid-19 thì cần cẩn thận, tỉ mỉ để không nhầm lẫn nên phải dán mắt kiểm tra là nhiệm vụ hàng đầu.
KTV xét nghiệm thực hiện lấy mẫu tại điểm xã Duy Trinh
Nhanh chóng, cơ động là tư thế thường trực của những KTV xét nghiệm của đội để lấy mẫu kịp thời.
Di chuyển vị trí lấy mẫu từ điểm xã Duy Trinh sang Duy Tân
Bưng bê khuân vác trong tư thế khó khăn họ không kể gì gái, trai hay mạnh, yếu, vậy mà còn phải xoay người để phun khữ khuẩn bảo hộ trước khi đến điểm mới.
Khử khẩn bảo hộ trước khi chuyển địa điểm
Tròn bóng dưới cái nắng giữa trưa nhưng sợ anh em phun không tốt nên chị đội trưởng bám theo chỉ từng góc ngách, từng mãng nền cần phải phun phòng virus ẩn mình gây hại.
Xử lý môi trường tại khu cách ly trường Hồ nghinh - Duy Xuyên
Sự ăn ý, phối hợp nhịp nhàng, hết sức cẩn thận: hướng dẫn, ghi chép, lấy mẫu, bảo vệ mẫu,… của từng người,… luôn được họ tổ chức sẵn sàng.
Lấy mẫu F1 tại khu cách ly trường Hồ Nghinh
Vất vã khó khăn là vậy nhưng xử lý môi trường, lấy mẫu bệnh phẩm tại tâm dịch là 2 nhiệm vụ không thể tách rời, nhiều khi mệt lã nhưng không thể nghỉ ngơi bỡi họ nhìn bà con mình trong các nhà cách ly từng ngày chờ kết quả và ngoài kia cộng đồng đang chờ đợi.
Tại phòng trong khu cách ly trường Hồ Nghinh - Duy xuyên
Những tâm sự đáng ghi nhận
Dõi theo, tranh thủ những lúc nghĩ trưa ngắn ngủi của họ chúng tôi gọi để chia sẻ động viên. Với công việc của mình và sự xa nhà, xa cha mẹ, xa vợ, xa chồng, con khi nghe những lời tâm sự của họ thật sự đáng kính trọng với trách nhiệm, tâm sức và sự cống hiến của những đồng nghiệp chúng tôi.
ThS Trương Công Gia Huy trong đội cho biết, anh tham gia Khu cách ly tập trung ở Trường cảnh sát 5 đóng ở Thăng bình 14 ngày vừa xong thì có tên trong đội cơ động, thế là anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
“Sáng ngày 8/8 tôi vừa về đến đơn vị thì lên xe cùng đội cơ động đi luôn, đến nay đã 18 ngày tôi chưa được về nhà. Trong khi cha mẹ tôi ở tân xã Đại lãnh, huyện Đại Lộc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ mẹ cha và rất lo lắng bởi dịch bùng phát ở quê nhà, nhưng chỉ biết động viên cha mẹ qua điện thoại và nhủ lòng phải làm tốt việc được giao để góp phần chống dịch”.
Còn anh Phan Thanh Tuân từ khi về với đội cơ động là đi chống dịch cả ngày lẫn đêm, vợ anh cũng trong đội thường trực thống kê báo cáo dịch của Khoa bệnh truyền nhiễm cũng thuộc CDC, thế là hai vợ chồng đành phải gửi con về quê cho ngoại chăm sóc.
Anh tâm sự: “Nhiều khi mệt lả, đứng còn không vững, mồ hôi ướt đẫm, đồ bảo hộ nồng nặc mùi hóa chất. Thế nhưng môi trường chưa được làm sạch thì phải cố lên để trả lại bình yên cho cộng đồng. Vì nhiệm vụ chúng tôi đành gửi con ở nhà ngoại tại huyện Duy Xuyên. Tôi tham gia chống dịch cũng ở huyện này, hàng ngày có đi ngang qua nhà ngoại nhưng vì nguyên tắc không được ghé vào thăm con. Nhiều lúc nghe tiếng con khóc đâu đây mà rơi lệ”.
Đội trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà thì cho biết: “Nhà tôi ở Đà Nẵng, chồng cũng đang trực chiến 100% trong quân đội để phòng, chống dịch. Xa nhà, xa 2 con đang tuổi lớn, nhớ con nhớ chồng, vợ chồng chỉ biết động viên nhau qua điện thoại, vì lúc này tập trung chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu nên chúng tôi tự động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả những con người của CDC chúng tôi chung một ý chí, đó là sự đồng lòng quyết tâm chống dịch, đó là sự hy sinh không mệt mỏi, bất chấp rủi ro vì sự bình yên của cộng đồng.
Tôi hỏi chị Trà, chị có nhắn gửi gì không, chị nói: “cho tôi gửi tới bà con mình: chúng tôi còn đi nhiều hơn nữa cũng không sao khi cuộc chiến này chưa kết thúc, bà con hãy ở nhà nhiều nhất có thể để giúp chúng tôi cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Long Cảnh