Thiên Thanh
Khói thuốc lá có hơn 7000 chất hóa học, trong đó có khoảng 70 chất có thể gây ung thư. Khói thuốc lá không chỉ có hại với người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lá thụ động. Những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ có thể gặp phải các bệnh như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, tim mạch, đột quỵ,... Phụ nữ mang thai hút thuốc lá hay hít khói thuốc lá của người khác sẽ dễ gây sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ đẻ ra thiếu cân, trẻ dễ tử vong ngay sau sinh,... Đối với trẻ em hít khói thuốc lá sẽ dễ bị viêm mũi, xoang, viêm phế quản phổi, hen,.. viêm tai giữa. Làm cho trẻ không tập trung để học tập. Đặc biệt gần đây, các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.
Hiện nay dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thuốc lá làm tăng nguy cơ đối với người hút. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) "Hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao hơn", bởi COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi nhiễm virus.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định người hút thuốc lá dễ bị mắc COVID-19, từ đó nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và người xung quanh. Theo CDC Hoa Kỳ, những bằng chứng ban đầu từ Trung Quốc và Ý cho thấy những bệnh nhân đã có bệnh nền (bao gồm hút thuốc và các bệnh liên quan hút thuốc) có thể dẫn đến các kết quả nghiêm trọng hơn hoặc tử vong do COVID-19.
Một nghiên cứu xem xét kết quả lâm sàng (đã được công bố) từ 1.099 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 535 bệnh viện trên khắp Trung Quốc cho thấy: 12,4% những người hút thuốc tử vong do mắc COVID-19 cần đưa vào những đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc phải thở máy. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ 4,7% ở những người không hút thuốc.
Mặc khác, theo các chuyên gia y tế, hành vi hút thuốc đòi hỏi việc chuyển động liên tục từ tay đến miệng, tạo ra đường lây truyền virus tiềm ẩn qua miệng, mũi. Đồng thời, việc sử dụng các ống ngậm dùng chung như thuốc lào, shisha... khiến lây lan SARS-CoV-2.
Trong đại dịch COVID-19, có hàng triệu người trên thế giới muốn bỏ thuốc lá vì sức khoẻ của bản thân và người thân trong gia đình. Bỏ thuốc lá giúp cải thiện chức năng phổi, đáp ứng miễn dịch và sức khoẻ tim mạch, đưa những người hút thuốc trước đây vào tình trạng sức khoẻ tốt hơn để chống lại nhiễm trùng nặng như COVID-19.
Cũng theo các chyên gia y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam hiện có xu hướng giảm, cụ thể ở nam giới từ 15 tuổi trở lên là 42,3%, so với điều tra năm 2015 là 45,3%. Tuy nhiên, gần đây, ngoài các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. WHO khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức.
Để phòng chống tác hại thuốc lá và những ảnh hưởng của thuốc lá tới dịch COVI-19 những người chưa hút thì không hút thuốc lá, những người đang hút hãy bỏ thuốc ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cồng đồng.