Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có công tác khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Chất lượng KBCB tại các cơ sở y tế đồng nghĩa với chất lượng bệnh viện là vấn đề được cộng đồng xã hội hết sức quan tâm, bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Cùng với sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực y khoa; cuộc cách mạng 4.0, chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; yêu cầu chuyên môn kỹ thuật y tế ngày càng phải được chuẩn hóa theo các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của Quốc gia và hội nhập với Quốc tế; yêu cầu về môi trường an toàn sinh học... đòi hỏi hệ thống y tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng phải hoàn thiện, đổi mới và phát triển là xu thế tất yếu.
Ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã và đang có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng bệnh viện như: Tăng cường chuyển giao kỹ thuật trong các đề án giảm quá tải bệnh viện; cải tiến quy trình cung ứng dịch vụ KBCB, đổi mới thái độ và phong cách phục vụ của nhân viên y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm; quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề; thanh toán bảo hiểm y tế; khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học chuyên sâu; ứng dụng công nghệ cao trong KBCB…. Việc cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân là yêu cầu cấp thiết của ngành y tế; mục đích cuối cùng của nâng cao chất lượng dịch vụ y tế là đảm bảo đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, đảm bảo người bệnh được an toàn và hài lòng, đồng thời thông qua đó cũng giúp đáp ứng nhu cầu của người cung cấp dịch vụ. Trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, việc xây dựng chiến lược quản lý chất lượng để cải tiến chất lượng bệnh viện, an toàn người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, xác định các khoảng trống trong quản lý chất lượng bệnh viện và các ưu tiên trong xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm cải thiện chất lượng là mục tiêu hướng đến và là hoạt động hết sức thiết yếu của tất cả bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý chất lượng
Củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và mạng lưới quản lý chất lượng, đẩy mạnh công tác xây dựng, triển khai cải tiến chất lượng bệnh viện, xây dựng các kế hoạch, chương trình cải tiến và nâng cao chất lượng bệnh viện tập trung vào các tiêu chí ở mức 1, mức 2; đo lường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện, sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện.
2. Nhóm giải pháp về ứng dụng chuẩn chất lượng
Tích cực triển khai các hoạt động quản lý chất lượng theo Thông tư số 19 và các văn bản liên quan của Bộ Y tế; rà soát 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện để nâng cao toàn diện các mặt hoạt động của từng bệnh viện, phấn đấu mỗi năm tăng 10% mức điểm, lưu ý cải tiến đồng bộ cả 05 phần, tập trung những phần còn ở mức điểm thấp
3. Nhóm giải pháp về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực
Đào tạo bổ sung hoàn thiện quản lý Nhà nước, quản lý bệnh viện, quản lý chất lượng bệnh viện; chuyên môn, ngoại ngữ; tin học để đảm bảo theo khung năng lực quy định. Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng năm nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề cho đội ngũ cán bộ y để nâng cao chất lượng KBCB tại các đơn vị; xây dựng lộ trình đăng ký mã ngành đào tạo y khoa liên tục thuộc các lĩnh vực trong ngành y tế; Thực hiện công tác thu hút, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ Bác sĩ đủ theo đề án việc làm, theo các tiêu chuẩn quy định.
4. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng chuyên môn
Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai phương pháp mới, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng bệnh viện; Xây dựng Kho dữ liệu quy trình, phác đồ điều trị của ngành y tế, thường xuyên cập nhật bổ sung từ Bộ Y tế và các đơn vị tuyến trung ương, tuyến tỉnh; Thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa theo Thông tư 43/2018/TT-BYT
5. Nhóm giải pháp về đổi mới phong cách, nâng cao y đức và giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế
Tích cực triển khai Thông tư số 07/2014/TT-BYT Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Đẩy mạnh các hoạt động “chăm sóc khách hàng” và “Tiếp sức người bệnh” nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, người thân trong quá trình thực hiện KBCB hoặc khách đến liên hệ công tác; Tổ chức việc đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, và nhân viên y tế ở tất cả các khâu, các đối tượng một cách thường xuyên hàng quý và khi cần, để có những điều chỉnh phù hợp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử…khen thưởng động viên kịp thời về tinh thần và vật chất cho cá nhân và tập thể tiêu biểu, điển hình.
6. Nhóm giải pháp về đầu tư trang thiết bị và dược
Để nâng cao chất lượng KBCB, triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu cần đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế có chất lượng, hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn; Tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án tài trợ phi chính phủ, các công ty cung ứng trang thiết bị, thuốc và vật tư tiêu hao để triển khai các hình thức hỗ trợ đặt máy móc thiết bị khi sử dụng sản phẩm; Tổ chức tốt hoạt động dược của bệnh viện theo quy chế, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho hoạt động chuyên môn thông qua việc đấu thầu mua sắm theo quy định, tích cực thực hiện công tác theo dõi, báo cáo tác dụng có hại của thuốc, công tác dược lâm sàng.
7. Nhóm giải pháp về cải tạo cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ khách hàng
Triển khai sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây mới cơ sở hạ tầng các bệnh viện trong đề án phát triển ngành y tế 2021-2025, ưu tiên các khu kỹ thuật, các khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng tiết chế; Khẩn trương cải tạo đưa vào hoạt động hệ thống xử lý chất thải lỏng cho một số bệnh viện đã xuống cấp. Cải tạo hệ thống sân vườn, giao thông trong theo tiêu chuẩn chất lượng hiện hành. Đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng ngừa trượt ngã và tăng khả năng tiếp cận cho đối tượng bệnh nhân là người khuyết tật
8. Nhóm giải pháp về quản lý kinh tế y tế và xã hội hóa
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bệnh nhân, song song với việc thực hiện tốt việc quản lý kinh tế y tế, đầu tư cải tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị từ nguồn ngân sách, các bệnh viện chủ trương huy động thêm các nguồn lực tài chính khác để triển khai các hoạt động xã hội hóa, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho CBVC.
9. Nhóm giải pháp về Công nghệ thông tin, Cải cách hành chính
Tích cực ứng dụng công tác cải cách hành chính vào hoạt động của các bệnh viện góp phần giảm các bước, các giấy tờ, thủ tục rườm rà, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và khách đến giao dịch; Xây dựng bộ quy trình các hoạt động sự nghiệp tại các đơn vị để thống nhất và chuẩn hóa theo đề án cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, của ngành ở tất cả các khâu như hành chính, kế toán, kế hoạch tổng hợp v.v…; Đầu tư các thiết bị phần cứng cho hệ thống công nghệ thông tin của Bệnh viện, trong đó đặc biệt là máy chủ và hệ thống mạng nội bộ đủ dung lượng , đảm bảo duy trì hoạt động 24/7. Đầu tư cải tiến hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện với các tiện ích thông minh, phục vụ công tác quản lý điều hành và chuyên môn của tất cả bệnh viện. Triển khai dịch vụ đăng ký khám bệnh từ xa, bệnh án điện tử, hội chẩn từ xa để nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho người bệnh; phần mềm quản lý các tiêu chí chất lượng bệnh viện (QHSE).
10. Nhóm giải pháp về nghiên cứu, sáng kiến và hợp tác
Để cập nhật kiến thức, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và tranh thủ các nguồn lực ngoài ngân sách, cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
11. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, truyền thông
Đa dạng các loại hình truyền thông trong bệnh viện, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp với truyền thông gián tiếp nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có lợi cho người bệnh.
12. Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng
Thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng bệnh viện tại các cơ sở KBCB tỉnh Quảng Nam sẽ là cơ hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế của ngành. Tăng cường công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính theo lộ trình của ngành, của tỉnh. Tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ KBCB, đặc biệt các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, giúp cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được KBCB tại tỉnh; tránh tình trạng vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải cho tuyến trên, rút ngắn được thời gian, chi phí KBCB mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội;
Việc triển khai cải tiến chất lượng bệnh viện là rất cần thiết, nó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KBCB và nâng cao sự hài lòng của người bệnh; từng bước xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân và người bệnh vào hệ thống KBCB tại hệ thống y tế trong tỉnh, tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội, những mặt trái trong môi trường bệnh viện; là cơ hội để các cơ sở KBCB tìm kiếm sự hỗ trợ hợp tác quốc tế và nguồn vốn xã hội hoá để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập chính đáng cho CBVC và người lao động, giúp ngành y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
BSCKI Nguyễn Á