Dân tộc Cơ Tu Quảng Nam sống chủ yếu ở các huyện Tây Giang (chiếm hơn 90% dân số của huyện), huyện Đông Giang (73,23%) và huyện Nam Giang (hơn 50%). Cơ Tu cũng là một trong những dân tộc có phong tục tập quán rất đa dạng. Dân tộc Cơ Tu sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Có những phong tục tập quán tốt thể hiện nét đẹp văn hóa và tinh thần của các dân tộc miền núi. Từ sau tái lập tỉnh, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung và vùng đồng bào Cơ tu của tỉnh nói riêng luôn được tỉnh ta xác định là một vùng quan trọng của tỉnh.

PV tac nghiep CMSKCMN

Khoa Truyền thông GDSK - CDC Quảng Nam thực hiện chuyên mục SKCMN tiếng Cơtu tại Đông Giang

Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng không ngoài tầm ảnh hưởng của dịch bệnh. Chỉ riêng trong đợt dịch lần thứ 4 (từ 18/7/2021 đến nay), Quảng Nam đã có hơn 450 ca bệnh được công bố. Điều đáng chú ý là kể từ đầu mùa dịch Quảng Nam chưa có ca mắc là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ động dự phòng
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là chủ trương được UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm tại Công văn số 737/UBND-KGVX ngày 19/2/2020. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông, UBND các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch COVID-19 với hình thức phù hợp; UBND huyện Nam Giang và Tây Giang chỉ đạo các xã biên giới tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế tối đa việc qua lại biên giới, thăm thân tại các bản biên giới hai huyện Đắc Chưng, Kà Lừm và tỉnh Sê Koong nước bạn Lào trong thời gian có dịch bệnh; Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới của công dân tại các xã biên giới nhằm quản lý tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo từ khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế CDC Quảng Nam, công tác kiểm soát dịch tại các cửa khẩu biên giới được UBND huyện Nam Giang và Tây Giang phối hợp thực hiện rất nghiêm.
Đáp ứng với diễn biến mới về tình hình dịch bệnh COVID-19, TTYT huyện Tây Giang đã có Kế hoạch phòng, chống theo từng tình huống cụ thể: Tình huống 1, chưa ghi nhận trường hợp bệnh trên địa bàn huyện; tình huống 2, xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện; tình huống 3, dịch lây lan trong cộng đồng nhằm ngăn chặn, đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch, hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng, nhất là trong cộng đồng người Cơ - Tu sinh sống.
Xác định công tác phòng chống dịch COVID-19 là trọng tâm, phòng chống dịch COVID-19 cho đồng bào Cơ Tu trên địa bàn huyện mang ý nghĩa chiến lược, trung tâm y tế huyện Đông giang đã có kế hoạch rất cụ thể.
Bs. CKI Lê Thị Quyết - Giám đốc trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết: “Đứng trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các vùng giáp ranh, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, đặc biệt lưu ý là vùng có người Cơ-Tu sinh sống. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19; hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong khi có dịch bệnh Covid-19 gây ra”.
Nhiều cách tiếp cận để phòng chống dịch
Dùng tiếng mẹ đẻ: anh Nguyễn Quang Dũng - Khoa Y tế công cộng TTYT huyện Nam Giang cho biết: “Để tuyên truyền phòng chống dịch cho đồng bào, dùng tiếng mẹ đẻ của họ là cách tiếp cận tốt nhất”
“Từ nhiều ngày qua, những buổi phát thanh di động bằng tiếng Cơ Tu của Công an huyện Nam Giang thực hiện để tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 luôn được người dân chú ý lắng nghe. Từ chỗ chưa hiểu biết, lo lắng về dịch bệnh gây chết người nhiều nơi, bây giờ được nghe thông tin rõ ràng bằng chính tiếng “mẹ đẻ” của mình, bà con Cơ Tu ở nhiều nơi trong huyện đã không còn hoang mang mà đã có cách phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình. Chính nhờ vậy mà nhiều bà con hiện nay đã biết luôn đeo khẩu trang khi ra đường và tiếp xúc với người khác”, anh Dũng cho biết thêm.
Bác sỹ của đồng bào: theo BS. Clâu Nhất - Trưởng Trạm y tế xã Mà Cooih huyện Đông Giang “Trong thời gian qua trước tình hình dịch bệnh xuất hiện tại các huyện lân cận, anh cùng các nhân viên trong trạm tích cực tuyên truyền cho chính bà con của anh trong thôn, trong xã tích cực phòng chống dịch. Hiện nay các gia đình và người dân tại thôn, xã đã chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Bà con ai nấy đều tuân thủ tốt việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2m khi giao tiếp. Bà con không còn tụ tập về nhà Gươil cũng không sang nhà hàng xóm chơi như trước,… Tất cả đều nâng cao ý thức đảm bảo sức khỏe cho bản thân gia đình và cộng đồng”.
Vào cuộc của người có uy tín với cộng đồng: anh Alăng Diên - Trưởng thôn cùng với Già làng tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang từ nhiều tháng nay đã chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Được biết, không chỉ riêng thôn A Sờ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cơ Tu tại nhiều thôn, nóc khác của xã đã phát huy tốt vai trò của mình, hỗ trợ chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền đến đồng bào, qua đó góp phần đảm bảo sự bình yên của các thôn, nóc trước đại dịch COVID-19.
Anh Alăng Diên cho biết: “Hiện nay thôn mình đang thực hiện chống dịch COVID-19 nên tất cả bà con Cơ Tu mình thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Bản thân mình luôn tích cực cùng với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia phòng, chống. Hiện nay, ý thức phòng dịch của bà con Cơ Tu mình đã được nâng lên rất nhiều, bà con đã thường xuyên thực hiện rửa tay bằng xà phòng, biết cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m, ít ra ngoài, ít tiếp xúc với người lạ để phòng chống dịch. Giờ thì bà con không còn lo lắng và sợ nữa chứ trước đây không biết phòng COVID-19 như thế nào nên rất sợ.”
Tận dụng nhiều kênh truyền thông: Truyền thông phòng chống dịch COVID-19 cho đồng bào Cơ- Tu là một trong những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo CDC Quảng Nam quan tâm. Từ khi có dịch, nội dung phòng chống dịch COVID-19 trong chương trình “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ -Tu được đẩy mạnh.
Xác định, đây là kênh truyền thông mang lại hiệu quả kép, Khoa truyền thông - Giáo dục sức khỏe CDC Quảng Nam đã xây dựng những nội dung phòng chống dịch COVID-19 dành riêng cho đồng bào Cơ - Tu; tổ chức những đợt công tác lên tận nơi ở của đồng bào, phối hợp với cán bộ y tế xã và mạng lưới cộng tác viên thôn bản để mời đồng bào đến. Tại đây đồng bào được các bác sỹ hướng dẫn các nội dung phòng chống dịch COVID-19 bằng tiếng Cơ Tu để giúp bà con hiểu rõ hơn về dịch bệnh, cách phòng chống,…
Một lần nữa, chính các nội dung hướng dẫn cho bà con tại đây được các phóng viên của trung tâm CDC quay hình lại, về cắt dựng lại thành nội dung cô đọng, súc tích kèm theo hình ảnh minh họa sinh động về phòng chống dịch COVID-19. Các nội dung này sẽ được phát trong chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ Tu trên sóng QRT vào các tối thứ 6 và tối Chủ nhật hằng tuần. Qua xem ti vi, tất cả bà con người Cơ Tu tại các huyện miền núi có thể tiếp cận một cách dễ dàng các nội dung về phòng chống dịch COVID-19 do các bác sỹ hướng dẫn qua truyền hình.
Có thể nói phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, phòng chống dịch COVID-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao mang ý nghĩa chiến lược nhằm bảo vệ sự bình yên cho bà con sinh sống. Hy vọng với những nỗ lực từ nhiều phía, đại dịch sẽ bị đẩy lùi, bà con Cơ Tu nói riêng, bà con các dân tộc miền núi Quảng Nam nói chung giữ vững “Vùng xanh”, không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Long Cảnh