Người cao tuổi (NCT) là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19. Sức khỏe suy giảm và việc có những bệnh lý nền khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn, và một khi đã mắc thì có khả năng biến chứng nặng hơn. Vậy làm thế nào để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các cụ trong mùa dịch này.
Ở người cao tuổi quá trình lão hóa diễn ra ngày càng nhanh dẫn đến tình trạng suy giảm hệ miễn dịch. Do đó những biến chứng ở NCT thường phải đối mặt như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim, đột quỵ…. Khi cao tuổi chức năng của các cơ quan giảm dần, cường độ trao đổi chất cũng giảm dần dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể, Do giảm dịch vị, mất răng nên người cao tuổi thường ăn uống khó khăn nên càng thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nói chung và là tiền đề gây ra nhiều bệnh tật ở người cao tuổi.
Ỏ thời điểm hiện nay do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona covid 19 gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức y tế thế giới phân tích về tình hình bệnh tật do nhiễm covid 19 cho thấy ở người già và mắc các bệnh từ trước như hen, tim mạch, tiểu đường…dễ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm covid 19 và nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, người cao tuổi trong giai đoạn này cần được nâng cao thể trạng và tránh tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm
Đối với người cao tuổi, nên ở nhà và tránh ra ngoài nhiều nhất có thể trong thời gian giãn cách xã hội. Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài khi cần thì phải đeo khẩu trang; giữ khoảng cách 2 mét với người có biểu hiện ho, hắt hơi; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; Súc họng bằng nước muối ấm hay nước súc khuẩn thông thường.
Chế độ ăn uống, ngủ nghỉ cần đảm bảo, ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín uống chín, thức ăn mền dễ tiêu và tăng cường các vitamin, khóang chất và ngủ nghỉ đúng giờ, đủ giấc; Luyện tập thể lực đều đặn làm tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện tâm lý. Chế độ luyện tập của người cao tuổi nên thực hiện đều đặn từ 3 – 5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 15 – 30 phút, chế độ tập luyện phù hợp theo từng lứa tuổi.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến triển của bệnh nền, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, khi có các dấu hiệu như sốt, ho hay dấu hiệu bất thường về cơ thể thì các cụ nên báo cho con cháu để liên hệ kịp thời với y tế địa phương.
Cập nhật thông tin về tình hình dịch COVID-19 qua các nguồn tin chính thống. Có thể liên hệ điện thoại với cơ sở y tế đang điều trị để trao đổi trực tiếp và được tư vấn phù hợp. Đặc biệt, thảo luận với người thân về bất cứ nỗi lo, buồn, sợ hãi... về COVID-19 hoặc các vấn đề khác.
Tiêm phòng vắc-xin COVID-19 là biện pháp hữu hiệu và rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc và đẩy lùi COVID-19.
Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Những người thân trong gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự quan tâm qua những hoạt động chăm sóc cụ thể, phù hợp. Ngoài những yếu tố rất quan trọng là dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh, được kiểm tra sức khỏe định kỳ, được an toàn… thì người cao tuổi cần được quan tâm chế độ vận động để giúp họ có một cuộc sống có chất lượng, mạnh khỏe, thoải mái về thể chất và tinh thần, trở thành những “cây cổ thụ” vững vàng trong đại dịch COVID-19.
BSCKI. Kim Vân