Việt Nam rất quan tâm đến công tác người khuyết tật, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật có thể hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng xã hội.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số.
Ngoài nhiều chủ trương, chính sách riêng cho người khuyết tật được Đảng, Nhà nước ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, cộng đồng xã hội cũng tích cực giúp đỡ đông đảo người khuyết tật về cơ hội học tập, làm việc để họ chủ động vươn lên trong cuộc sống.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng và là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng trong công tác giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh từ 60% vào những năm 1990, xuống còn 13,5% vào năm 2014, đến năm 2023 còn khoảng 5%.
Việt Nam rất quan tâm đến công tác người khuyết tật, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật có thể hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng xã hội.
Năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Năm 2019, phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm.
Năm 2022, Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn tiếp cận chữ và các tác phẩm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Để hiện thực hóa Hiến pháp và các cam kết quốc tế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Người người khuyết tật năm 2010 và Bộ luật Lao động, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Giao thông, Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định các chính sách đặc thù hỗ trợ người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam giúp Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những vấn đề về công tác người khuyết tật.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng khác, bảo đảm thực thi đầy đủ và toàn diện quyền con người và quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội không ngừng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật, có trên 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng; trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; đối với trẻ em không có khả năng học hòa nhập được hỗ trợ học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Toàn bộ lực lượng lao động là người khuyết tật (gần 4 triệu người) đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, sinh kế hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tự giải quyết việc làm. Họ cũng được quan tâm, ưu đãi khi tham gia giao thông, vào các khu vui chơi giải trí, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được miễn, giảm giá vé...
Trong thời tới Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm đạt được các mục tiêu bao trùm và hòa nhập đối với người khuyết tật; tăng cường trợ giúp về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật.
“Chúng tôi tiếp tục cụ thể hóa Công ước và các cam kết quốc tế vào pháp luật quốc gia lên tầm cao mới, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với người khuyết tật,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Chia sẻ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho người khuyết tật, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh đã khẳng định: Sự quan tâm đó đã hỗ trợ một cách tốt nhất cho người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống, tạo bình đẳng trong xã hội.
Cũng chính vì vậy, đời sống của người khuyết tật Việt Nam đang ngày một cải thiện, quyền của người khuyết tật cũng dần được bảo đảm./.
PV. TTGDSK