Năng suất cao cùng với giá cả hợp lý và đầu ra thuận lợi, Cây Thuốc lá được đánh giá là cây trồng có giá trị kinh tế, giúp người có nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện và có hại về nhiều mặt như: sức khỏe con người, môi trường sống, trật tự an toàn xã hội,… Vì vậy, để góp phần làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, một trong những giải pháp quan trọng là làm giảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá. Đặc biệt, hiện nay người dân đã ý thức được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, nên rất cần những định hướng và hỗ trợ kinh phí phù hợp để giúp bà con chuyển đổi cây trồng khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trong những năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Qua đó, phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án (chương trình 30a, chương trình 135, chương trình 134, chương trình 132, chương trình xóa đói giảm nghèo,…) đã tạo được nguồn lực đáng kể nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các loại cây công nghiệp, cây ăn quả,… Với sự hỗ trợ đó, nhiều tỉnh đã áp dụng và có sự điều chỉnh trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ đó, thu hẹp diện tích trồng cây thuốc lá để chuyển đổi sang cây trồng khác thành công.
Tại Quảng Nam, mặc dù ý thức được tác hại của cây thuốc lá đối với sức khỏe về lâu dài nhưng giá trị kinh tế cao từ việc trồng cây thuốc lá cùng với việc chưa có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, nên đến nay bà con vẫn chưa mạnh dạn từ bỏ trồng loại cây này.
Ông Phạm Văn Bảy là một trong những hộ trồng cây thuốc lá lâu năm tại xã Điện Thắng Nam (thị xã Điện Bàn), ông Bảy chia sẻ: “nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, cộng với kinh nghiệm chăm sóc loại cây này nhiều năm nay, hầu hết diện tích thuốc lá của tôi đều phát triển tốt. Cây thuốc lá đã giúp gia đình tôi ổn định kinh tế, nuôi con cái ăn học cũng đỡ vất vả hơn nhiều.”
Ở mảnh đất Trường Xuân (T.p Tam Kỳ) trước đây, nhiều nhà giàu lên nhờ trồng thuốc lá, buôn thuốc lá - cái nơi tồn tại “thương hiệu” thuốc lá Trường Xuân lâu đời cho đến bây giờ. Cứ đến mùa thuốc lá có những nhà buôn trữ hàng trăm gánh để buôn bán với nhiều vùng trong huyện, trong tỉnh, có khi bán tới các tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Gia đình chị Hồ Thị Sen cũng sinh sống và lấy nghề trồng cây thuốc lá là nguồn thu nhập chính tại nơi này, chị Sen cho biết: “gia đình tôi có truyền thống trồng loại cây này đã gần 20 năm, từ thời ba tôi để lại, đến nay tôi vẫn trồng và xem đó là nguồn thu nhập chính để lo cho con cái ăn học. Để từ bỏ loại cây này thì thật sự rất khó, vì chúng tôi gắn bó với nó, quen với việc chăm bón, thu hoạch, có đầu ra ổn định,… Vẫn thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng khó từ bỏ vì ngoài mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình tôi nó còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.”
Cây thuốc lá là nguyên liệu chính để sản xuất thuốc lá, trong khói thuốc lá hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, chất gây ung thư, chất gây nghiện và các chất gây độc khác. Tại Quảng Nam, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá trên 96%; 75% trường hợp nhập viện do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 65% bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, có những trường hợp không điều trị thành công và tử vong do ung thư phổi vì không thể từ bỏ thuốc lá trong quá trình điều trị. Đa số những bệnh nhân này là nam giới, rơi vào độ tuổi từ 45 đến 65, có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.
Ông Võ Ngọc Tân, 67 tuổi sống tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam cho biết, ông nghiện thuốc lá nặng, đã nhiều lần quyết tâm cai thuốc lá, nhưng không thành công. “Tôi được người nhà đưa vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam cấp cứu trong tình trạng ho, khó thở tức ngực, được các bác sĩ xác định là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy hô hấp mạn, và sau hơn 15 ngày điều trị, hiện sức khoẻ ông đã dần hồi phục. 36 năm hút thuốc, như thói quen hàng ngày rồi nên rất khó từ bỏ. Các bác sỹ ở đây khuyên tôi nên bỏ dần thuốc lá, đợt này tôi quyết tâm từ bỏ thuốc lá, vì sức khỏe và vì gia đình”, Ông Tân chia sẻ.
Người trồng cũng như người hút, khi được hỏi thì họ đều biết các mối nguy hiểm của thuốc lá đối với sức khỏe, nhưng họ có chung đặc điểm là: “khó từ bỏ”. Thực tế hiện nay, cây thuốc lá đang là loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Loại cây này được trồng nhiều tại: Tam Kỳ, Đại Lộc, Điện Bàn,... Người trồng tại các địa phương này xem đây là công việc chính tạo ra thu nhập lớn khó từ bỏ. Vậy, để giảm tình trạng người hút thuốc lá, mục tiêu lớn nhất vẫn là giảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá. Thực hiện giải pháp này đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan tới sinh kế của người trồng, sơ chế và buôn bán nguyên liệu thuốc lá. Đây là vấn đề lớn, khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp từ luật pháp, chính sách hỗ trợ bà con, công tác tuyền truyền, định hướng chuyển đổi ngành nghề, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp sau khi chuyển đổi,… để bà con mạnh dạn từ bỏ trồng loại cây này.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 với chủ đề: “chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế môi trường, an ninh và dinh dưỡng. Đặc biệt, ngày chủ đề cũng nhấn mạnh thêm lần nữa về mối quan hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá, đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của người trồng, dần dần phá bỏ trồng cây thuốc lá để chuyển sang nuôi hoặc trồng các loại cây phù hợp, vì sức khỏe của cả cộng đồng./.
An Nam