Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong năm 2022, toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Bo truong

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TM

Chi tiết những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành y tế trong năm 2022 được Bộ trưởng trả lời PV Báo sức khỏe đời sống:

PV: Xin Bộ trưởng có thể cho biết trong năm 2022 này, chiến lược chống dịch có những điểm gì mới?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt trước năm 2023 vì vậy với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng.

Toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong đó tập trung 1 số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng bao phủ vaccine, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với WHO, với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hiện nay có hơn 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao

Đồng thời Bộ cũng theo sát thông tin vaccine nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiến hành đàm phán với các đối tác, nhà cung ứng để có thể đảm bảo cung ứng vaccine này.

Có thể nói rằng chúng ta sẽ triển khai từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề khoa học, an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết.

Thứ hai, vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó biện pháp đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19...

Thứ ba, tăng cường năng lực hệ thống y tế nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng... làm sao đảm bảo đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi bối cảnh, hoàn cảnh.

PV: Có thể nói trong vòng 2 năm qua, nhân viên y tế đã có những nỗ lực hy sinh cho công tác phòng chống dịch, tuy nhiên chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ có những kiến nghị đề xuất như thế nào, đặc biệt là đối với y tế cơ sở để họ có thể yên tâm công tác?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng những tác động của đại dịch COVID-19 với ngành y tế rất sâu rộng, ảnh hưởng cả về thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ để có thể tăng chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi đi vào vùng dịch một cách thỏa đáng.

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Về cơ bản, các cấp thẩm quyền đồng thuận hướng nâng cao phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên tới 100% mức lương.

Trong năm 2022, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, trong đó sẽ theo hướng tăng cường nhiều hơn đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế, để họ yên tâm công tác.

PV: Thưa Bộ trưởng, chủ đề mà Chính phủ đưa ra trong năm 2022 có đoàn kết và kỷ cương. Vậy ngành y tế sẽ thực hiện điều này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Ngành y tế tập trung xây dựng luật pháp, trình các dự thảo Luật đối với Quốc hội như dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; Luật Dược sửa đổi và Luật trang thiết bị y tế.

Ngành tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cũng như tăng cường quản lý của ngành;

Đồng thời, tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, đảm bảo công khai minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm lợi ích nhóm, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu;

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức cũng như xây dựng cơ chế đảm bảo khách quan, công khai và minh bạch, hiệu quả đối với hoạt động của ngành.

Theo sukhoedoisong.vn