Thêm nhiều trường hợp phải đóng BHXH theo Luật BHXH 2024; Luật BHYT sửa đổi 2024 bắt đầu có hiệu lực; Nhiều thay đổi về thủ tục hành chính từ 1/7/2025 được áp dụng theo 28 Nghị định về phân cấp phân quyền… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7/2025.
Nhiều thay đổi về thủ tục hành chính từ 1/7/2025 được áp dụng theo 28 Nghị định về phân cấp phân quyền
Từ ngày 1/7/2025, có tới 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp có hiệu lực. Trong đó, hàng loạt thủ tục mới sẽ thay đổi cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Có thể kể đến:
UBND cấp xã được cấp Sổ đỏ lần đầu cho người dân. Đây là nội dung được nêu tại Điều 18 Nghị định 151/2025/NĐ-CP nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp Sổ đỏ gồm không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch và không vi phạm pháp luật về đất đai…
UBND cấp xã được chứng thực bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam hoặc ngược lại thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã…
Thay vì áp dụng theo địa bàn cấp huyện như trước, từ 1/7/2025, mức lương tối thiểu chính thức được phân theo địa bàn cấp xã theo Nghị định 128/2025/NĐ-CP…
Được nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch tại bất kỳ UBND cấp xã nơi cư trú, nơi cư trú của cá nhân được xác định theo quy định của pháp luật về cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2025/NĐ-CP…
Luật BHYT sửa đổi 2024 bắt đầu có hiệu lực
Hàng loạt quyền lợi và quy định liên quan đến bảo hiểm y tế sẽ được áp dụng từ 1/7/2025 theo Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế năm 2024. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý:
Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, bổ sung thêm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc: Nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Khám chữa bệnh tại nhà vẫn được BHYT chi trả bởi theo khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế 2024, khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con…
Thêm nhiều trường hợp phải đóng BHXH theo Luật BHXH 2024
Một trong những dự án Luật quan trọng liên quan đến hàng triệu người dân trên cả nước là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025 tới đây.
Theo đó, một số nội dung đáng chú ý của Luật này không thể bỏ qua gồm:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên... cũng thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc (quy định cũ là hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên...).
Khi đóng bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025 trở đi thì không được rút BHXH 1 lần nếu không thuộc trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; Ra nước ngoài để định cư.
Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS...
Đóng BHXH 15 năm cũng được hưởng lương hưu theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội nếu đủ tuổi nghỉ hưu…
Chính thức thay mã số thuế bằng số định danh
Là một trong những dự án Luật có ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế của người tiêu dùng trên cả nước từ 1/7/2025, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024 cũng có hiệu lực ngay từ thời điểm 1/7/2025.
Theo đó, từ 1/7/2025, người nộp thuế… sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Trong đó, số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an cấp là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số được sử dụng thay cho mã số thuế của người nộp thuế là cá nhân, người phụ thuộc…
Đồng thời, khi mua vào hàng hóa, dịch vụ dưới 20 triệu đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt trừ một số trường hợp do Chính phủ quy định.
Trong khi trước đây, theo khoản 2 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng thì không cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế giá trị gia tăng…
Những quy định mới của Luật PCCC và CNCH 2024
Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 đã bổ sung hàng loạt quy định mới trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Theo đó, Luật này bổ sung quy định về việc bảo đảm an toàn phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh: Phải có biển báo và ngăn cách khu vực sản xuất nguy cơ cháy nổ với khu ở. Không bố trí chỗ ngủ, trang bị báo cháy, thông gió, thiết bị phát hiện rò rỉ khí, và ngăn cháy lối thoát nạn khi có hàng hóa nguy hiểm cháy nổ. Có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn. Bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn…
Chính sách giảm VAT từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026
Sáng 17/6/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về giảm Thuế giá trị gia tăng. Theo đó, Quốc hội quyết nghị:
Giảm 2% thuế suất Thuế giá trị gia tăng, tức còn 8%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông; Hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; Sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than); Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.

BHXH.TN 20241126081742AM
Y tế TPHCM thay đổi như thế nào từ hôm nay (1/7)?
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, từ hôm nay (1/7), toàn hệ thống y tế mới của "siêu đô thị" này có sự thay đổi rất lớn.
Cụ thể, từ 1 chi cục và 57 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (tính tới hết năm 2024), sau ngày 1/7/2025, ngành Y tế TPHCM sẽ có tới 2 chi cục và 124 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Trong đó, có 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm không giường bệnh, 15 trung tâm bảo trợ xã hội, 38 trung tâm y tế khu vực.
Để mạng lưới y tế ổn định hoạt động ngay từ đầu, Sở Y tế TPHCM đã hoạch định chi tiết như sau:
Đối với Trạm y tế: 443 trạm y tế phường, xã hiện hữu vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức năng như hiện nay, để không xáo trộn hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.
Trong thời gian 60 ngày, Sở Y tế TPHCM sẽ thực hiện chuyển đổi thành 168 trạm y tế phường, xã tương ứng với với các phường, xã mới, đồng thời thiết lập 296 điểm y tế.
Sở Y tế TPHCM cũng giao các trung tâm y tế khu vực ưu tiên bổ sung nguồn nhân lực cho các trạm y tế và các điểm y tế, để thỏa điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (đối với các trạm và các điểm y tế chưa ký hợp đồng).
Đối với Trung tâm y tế: 38 trung tâm y tế (17 đơn vị có giường bệnh, 21 đơn vị không giường bệnh), Sở Y tế TPHCM sẽ chuyển đổi thành 38 trung tâm y tế khu vực, phụ trách 168 trạm y tế xã, phường.
Đối với hệ thống cấp cứu 115: Gồm 1 trung tâm và 45 trạm cấp cứu vệ tinh, ngành Y tế TPHCM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới vệ tinh để bao phủ toàn bộ địa bàn mới.
Đối với hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội: Ngành Y tế cũng đã tiếp nhận và vận hành mạng lưới trung tâm bảo trợ xã hội từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trước đó.
Số liệu cho thấy, từ 1/7, trên địa bàn TPHCM sẽ có 110 trung tâm BTXH (15 trung tâm BTXH công lập, 95 trung tâm BTXH ngoài công lập). Đây cũng là thách thức mới trong quản lý đối với ngành Y tế TPHCM.
Riêng với mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh: Từ 1/7, toàn địa bàn TPHCM có tổng cộng 162 bệnh viện (12 bệnh viện Bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa; 28 bệnh viện chuyên khoa; 90 bệnh viện ngoài công lập). Đáng chú ý, số lượng phòng khám tư nhân gia tăng đáng kể với hơn 9.880 phòng khám chuyên khoa, hơn 350 phòng khám đa khoa, hơn 15.600 cơ sở kinh doanh dược, nhà thuốc.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, với hệ thống y tế mới đa dạng về loại hình, gia tăng số lượng cơ sở, quy mô địa bàn mở rộng... sẽ đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh tới cơ chế quản lý thống nhất, linh hoạt, hiện đại cần phải có trong những ngày tới.
Để sớm hình thành cơ chế quản lý như mong muốn, Sở Y tế TPHCM cam kết "sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị điều hành, đảm bảo phân bổ hợp lý nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các tuyến và cơ sở y tế".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM còn quyết tâm xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực thích ứng với mô hình tổ chức mới. Điều này là hết sức cần thiết vì yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định.

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống