Ngày 27/9, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với các trạm y tế xã/ phường (thuộc các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An) được dự báo có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 4 (NORU) gây ra. Đoàn công tác do Ts.Bs Mai Văn Mười - TUV, Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão NORU.
Bs. Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở làm việc với Trung tâm Y tế Thăng Bình và trạm Y tế xã Bình Minh (Thăng Bình) về công tác phòng chống bão NORU
Tại các điểm kiểm tra như: Trạm y tế phường Cẩm Hà, Cửa Đại, Cẩm Thanh, xã Bình Minh, Duy Hải, đoàn công tác đã nắm bắt tình hình chuẩn bị cơ số thuốc men, vật tư y tế, nhân lực, trực gác cấp cứu,… của các trạm y tế.
Qua kiểm tra, Ts.Bs Mai Văn Mười cho biết: “Các Trung tâm y tế tuyến huyện cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; phân công đội trực gác 24/24 giờ; đảm bảo cơ số thuốc men đầy đủ và chuẩn bị nhân lực cùng với chính quyền nhân dân sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn; đã thành lập đội cơ động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường để hỗ trợ y tế cơ sở; sẵn sàng lên phương án để dọn vệ sinh môi trường, xử lý xác súc vật, khử khuẩn nguồn nước cho bà con sau bão; sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh sau bão như: Tay chân miệng, các bệnh về da, Sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra,....”
Kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão số 4 tại các trạm Y tế xã
Sở Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị ngành Y tế phải xem công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm; Tập trung chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế cũng như Ủy ban nhân dân huyện/thành phố về công tác phòng, chống thiên tai của đơn vị.
BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hội An nói: “Hiện thành phố Hội An với 13 trạm Y tế, cùng Trung tâm Y tế thành phố Hội An có 106 nhân lực đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để ứng phó với bão lũ. Chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc ứng phó bão lũ rồi, tuy nhiên vẫn nhắc nhở anh em không được chủ quan, vì cơn bão lớn, khó lường. Đối với những trạm y tế dự báo sẽ ngập lũ, có thể sẽ ảnh hưởng nặng do cơn bão gây ra, chúng tôi thực hiện di dời trang thiết bị, nhân lực đến nơi an toàn, chèn chống các phòng ốc, mái tôn để tránh gây thiệt hại. Mỗi khối phố đều được bố trí một cán bộ y tế trực gác để cùng với chính quyền hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt tại các điểm kiểm tra, Ts.Bs Mai Văn Mười yêu cầu các đơn vị tập trung phải duy trì công tác chuyên môn thường xuyên, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu, điều trị cho nạn nhân do mưa bão gây ra; tuyệt đối không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Lãnh đạo Ngành dặn dò cán bộ y tế chuận bị chu đáo, sẵn sàng các tình huống cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân trong và sau bão lũ
Y sỹ Võ Thị Thu Nguyệt - Phó trưởng Trạm y tế phường Cẩm Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đã phối hợp ủy ban nhân dân xã để ứng phó với cơn bão. Tất cả đã sẵn sàng từ nhân lực y tế, thuốc men, thực phẩm,... đều được chuẩn bị di dời về nơi tránh trú an toàn, hạn chế xảy ra mất mát về người và tài sản.”
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cũng đã lên phương án phòng chống mưa lũ; thực hiện các giải pháp bảo đảm cách ly cần thiết trong phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi có tình huống sơ tán, tập trung đông người tại các điểm sơ tán./.
THÙY AN - ÁNH MINH