Sáng ngày 10/7, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, kết nối với 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Quảng Nam Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì hội nghị, cùng đại diện các Sở, Ban, Ngành liên quan tham dự.

mitting Tiem chung covid 1

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam

Tại buổi lễ phát động, Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong năm 2021. Tới hết quý 1/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vắc xin COVID-19; 16 đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất năm kéo dài từ năm 2021 - 2022, triển khai từ tháng (7.2021- 4.2022) tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến. Theo đó, Việt Nam phấn đấu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022, có thể đạt miễn dịch cộng đồng, tương ứng với 70% dân phải được tiêm vắc xin COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần có sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an,… để chiến dịch được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc; Công tác tiêm chủng luôn quán triệt đảm bảo tỷ lệ bao phủ và an toàn tối đa cho người tiêm chủng “tiêm đến đâu an toàn đến đó”; thiết lập giám sát chất lượng vắc xin, thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng; Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, phối hợp một cách chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng./.

 

Thùy An - Viết Thạnh