Ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2022” do Bộ Y tế tổ chức với trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã. Dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, ngành Y tế và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Tại điểm cầu Quảng Nam, có đồng chí Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cùng đại diện các đơn vị có liên quan tham dự.

TTTTT

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2022” tại điểm cầu Quảng Nam

Trong năm 2021, một trong những điểm sáng nổi bật của cả nước là việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ngành Y tế đã nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống Y tế còn hạn chế, đã đảm nhiệm vai trò chủ lực, then chốt cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin  cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.

Trong năm qua, ngành Y tế cũng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính Phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021. Bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế tập trung phòng chống dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”; Số mắc và tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020; Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường; Tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 91%; Duy trì bền vững mức sinh thay thế từ năm 2005 (2,11 con/phụ nữ), tuổi thọ trung bình duy trì là 73,7 tuổi; Đảm bảo khám, chữa bệnh thường quy; Tập trung theo dõi, quản lý sức khỏe người dân, tăng cường khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; Chuyển nguy thành cơ trong đại dịch COVID-19 để tăng tốc chuyển đổi số, Bộ Y tế đứng thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 Bộ có cung cấp dịch vụ công;…

Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch COVID-19, thực hiện thành công chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; Đẩy mạnh nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám chữa, bệnh cho người dân; Nâng cao chất lượng nhân lực y tế;…