SKĐS - TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đề nghị UBND TP Hội An giám sát chặt việc dừng hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng 2 cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, TS.BS Mai Văn Mười cho biết đã đề nghị UBND TP Hội An giám sát việc dừng hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng 2 cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền.

Kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cơ sở gây ngộ độc thực phẩm (cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP) khi có kết luận vụ ngộ độc thực phẩm.

5F7fb6e00f35da6b8324

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Chi cục ATVSTP Quảng Nam làm việc với cơ sở bánh mì Phượng. Ảnh: Sở Y tế Quảng Nam.

TTYT TP Hội An khẩn trương phối hợp điều tra, rà soát tất cả trường hợp liên quan tới vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở Bánh mì Phượng 2, tổng hợp thông tin ca bệnh đang điều trị tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo Quảng Nam chỉ đạo Chi cục ATVSTP phối hợp các đơn vị liên quan tại TP Hội An điều tra nguyên nhân, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.

Yêu cầu hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh để phục vụ công tác điều tra cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng; hướng dẫn cơ sở liên hệ với các cơ sở điều trị để chịu chi phí cho việc điều trị người bị ngộ độc, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm.

Ông Mai Văn Mười khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, tích cực nghiên cứu để bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, thực phẩm được chế biến, bày bán tại những cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân cần ăn chín, uống sôi. Cần tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Trước đó, như Báo Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, ngày 12/9/2023, trên địa bàn TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc người dân, du khách có sử dụng Bánh mì Phượng của Hộ kinh doanh Bánh mỳ Phượng 2, địa chỉ: Số 02B, đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Số người ăn bánh mì vào ngày 11/9/2023 khoảng 1.900 người (số bánh mì cơ sở bán ra vào ngày 11/9/2023 là 1.920 ổ).

Tổng số người bị ngộ độc ghi nhận là 141 người (ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoài tỉnh Quảng Nam). Ngoài ra có ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại. Số người phải vào viện theo dõi sức khỏe là 141 người.

Số bệnh nhân người nước ngoài: 33 người (mang quốc tịch Australia, Anh, Nhật, Chi Lê) và 01 người Việt Nam mang quốc tịch Đức.

Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm: sốt cao, đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu.

Thức ăn nghi ngờ: Bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo.

 

Thanh Huyền - Báo Sức khỏe và đời sống