Nhiễm giun là bệnh thường gặp ở các nước nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, các nước nghèo khó khăn, trong đó có Việt Nam. Ai cũng có thể bị nhiễm giun, đặc biệt trẻ em và học sinh là dễ bị nhiễm giun nhất. Các triệu chứng của bệnh nhiễm giun thường không rầm rộ như nhiều bệnh khác, nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nhiễm giun ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, trí tuệ và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉnh Quảng Nam triển khai tẩy giun định kỳ được tổ chức 6 tháng một đợt cho học sinh tiểu học và trẻ 24 -60 tháng tuổi trên phạm vi toàn tỉnh, bước đầu đã đem lại một hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao sức khỏe vả khả năng học tập cho trẻ và học sinh tiểu học tỉnh nhà. Để chuẩn bị triển khai công tác tẩy giun đúng tiến độ và có chất lượng trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cần thực hiện đúng các bước được tiến hành như sau:
Công tác chuẩn bị
Tại tuyến huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: các Trung tâm Y tế chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động uống thuốc tẩy giun cho các đối tượng uống thuốc phải đảm bảo an toàn và thực hiện đầy đủ các biên pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức cuộc họp phổ biến kế hoạch và phát động chiến dịch tẩy giun ở tất cả các trường; nội dung phổ biến các kế hoạch và biện pháp tổ chức giáo dục truyền thông, tẩy giun ở nhà trường, thời gian đồng loạt tiến hành chiến dịch; chuẩn bị nhân lực vật lực để theo dõi, giám sát và chỉ đạo tuyến xã tẩy giun định kỳ cho học sinh và trẻ em mầm non; tổ chức tẩy giun thí điểm cho 1 trường để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong toàn huyện (có thể mời các trường khác đến tham quan); phân phối thuốc tẩy giun, mẫu báo cáo và tài liệu truyền thông tới các xã trong toàn huyện trước ngày tẩy giun.
Tại tuyến xã, phường: trạm y tế xã, phường, y tế nhà trường tham mưu UBND xã về kế hoạch và vận dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ của xã cho hoạt động phòng chống tẩy giun; nhân viên y tế và giáo viên thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như: đeo khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn. Thực hiện phân luồng khám sàng lọc, cách ly những học sinh có triệu chứng có triệu chứng nghi ngờ liên quan tới bệnh Covid-19; tập huấn cho cán bộ y tế xã, y tế nhà trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm về bệnh giun sán, cách phòng chống, tác dụng phụ của thuốc, cách xử trí tác dụng phụ và kế hoạch tẩy giun định kỳ hàng năm cho học sinh. Đối với trẻ đi học lập danh sách học sinh của các lớp trong trường; đối với trẻ tuổi đi học nhưng chưa đến trường: Lập danh sách theo thôn; chuẩn bị đầy đủ thuốc giun, thuốc cấp cứu và xử trí tác dụng phụ, nhân lực theo dõi, chỉ đạo, giám sát cho uống thuốc ở trường và sổ sách ghi chép.
Tại trường Mầm non và Tiểu học lập thời gian biểu cho uống thuốc của các lớp hoặc các khối trong trường; họp với các giáo viên chủ nhiệm giao trách nhiệm cho học sinh uống thuốc tại lớp, dưới sự giám sát chuyên môn của cán bộ y tế; thông báo cho cha mẹ học sinh biết ngày tẩy giun cho học sinh, những điều cần cha mẹ quan tâm (không để trẻ nhịn ăn trong ngày uống thuốc, theo dõi trẻ sau khi uống thuốc); phân công người chuẩn bị nước uống, cốc chén đầy đủ cho học sinh uống thuốc.
Triển khai việc uống thuốc tẩy giun
Tổ chức thực hiện: tuyến huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Cử cán bộ tham gia chỉ đạo và giám sát việc triển khai cho học sinh uống thuốc tẩy giun trong toàn huyện; cử cán bộ trực tại khoa y tế công đồng trong các ngày uống thuốc để giải quyết các vấn đề có liên quan đến tẩy giun ở nhà trường và kịp thời báo cáo lên cấp trên khi cần thiết. Tuyến xã, phường xây dựng kế hoạch uống thuốc tẩy giun tại các địa phương phải đảm bảo an toàn và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo của xã và đại diện Hội cha mẹ học sinh cần có mặt đông đủ tại trường trong ngày uống thuốc để theo dõi, chỉ đạo mọi hoạt động. Y tế xã và y tế nhà trường chịu trách nhiệm về chuyên môn (chỉ định, chống chỉ định điều trị, theo dõi trong quá trình điều trị. Giáo viên chủ nhiệm kết hợp cán bộ y tế trực tiếp cho các cháu uống thuốc tại lớp.
Cách cho uống thuốc: đối với học sinh tiểu học, mỗi lớp, thầy cô giáo gọi từng em học sinh lên bản, sau khi cán bộ y tế kiểm tra và chỉ định điều trị có thể cho học sinh uống thuốc. Hoặc có thể gọi các em trong diện chống chỉ định lên bục, các em trong diện chỉ định ngồi tại chổ. Giáo viên phát thuốc và cho trẻ uống nước từng em một, lần lượt từ bàn trên xuống. Cho uống thuốc lần lượt hoặc khối lớp nếu có đủ cán bộ y tế giám sát. Đối trẻ mầm non, bố trí khu vực cho uống thuốc phải được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khử khuẩn, khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn để nhân viên y tế và người đưa trẻ đến uống thuốc có thể sử dụng. Thông báo cho các đối tượng đến uống thuốc theo các khung giờ khác nhau(mỗi khung giờ cho uống không quá 20 cháu), phân luồng hợp lý để tránh tập trung đông người, giũ khoảng cách an toàn (tối thiểu 1mét). Các hoạt động truyền thông cần được tăng cường hơn trong ngày uống thuốc tại trường cũng như tại đài truyền thanh xã. Cần ghi chép đầy đủ số lượng học sinh uống thuốc, số học sinh chống chỉ định của từng lớp. Số học sinh vắng mặt hoặc chống chỉ định tạm thời có thể điều trị vét vào ngày hôm sau tại y tế nhà trường.
Theo dõi sau uống thuốc tẩy giun: Cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm theo dõi tình trạng của trẻ sau khi uống thuốc, nếu có tác dụng thoáng qua như đau bụng nhẹ, nhức đầu….nó sẽ tự mất sau ít giờ không cần xử trí gì, nếu có tác dụng phụ biểu hiện rầm rộ hơn như đau bụng dữ dội, nôn mữa liên tục, dị ứng thuốc cần đưa đến cơ sở y tế; trạm y tế xã cử cán bộ trực tại trạm 24/24 giờ trong 2 ngày sau khi uống thuốc để xử trí các trường hợp có tác dụng phụ cần đến sự trợ giúp của y tế
Chú ý: Không cho uống thuốc với các trường hợp đang bị bệnh cấp tính như sốt cao, ỉa chảy hoặc bị bệnh mãn tính như viêm gan, viêm thận, các trường hợp có tiền sử dị ứng với thuốc; khi uống thuốc tẩy giun không cần dùng thuốc tẩy, không phải ăn kiêng; nên nhắc nhỡ học sinh ăn no trước khi uống thuốc.

CN Hoàng Xuân Tư