SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 ở nước ta thời gian gần đây liên tục giảm, cùng đó bệnh nhân nặng phải thở oxy cũng giảm; Các chuyên gia cho biết số ca nhiễm COVID-19 trong mùa thu-đông có nguy cơ gia tăng...
Số bệnh nhân COVID-19 nặng thấp nhất từ đầu tháng 10 đến nay
Bộ Y tế cho biết, số ca mắc mới COVID-19 ngày 23/10 chỉ còn 158 ca, đây là ngày có số mắc mới thấp nhất trong gần 1 năm qua. Cũng trong những ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 ở nước ta liên tục theo chiều hướng giảm.
Trong ngày 23/10 tiếp tục không có bệnh nhân tử vong. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 ở nước ta. Tuy nhiên trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua ở nước ta vẫn là 1 ca.
Kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay Việt Nam có 11.496.987 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.717 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.600.965 ca; trong số hơn 852 nghìn trường hợp mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 31 ca (con số này tiếp tục giảm so với những ngày trước đó và cũng là số trường hợp nặng thấp nhất từ đầu tháng 10 đến nay), trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 28 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca.
Ngành giáo dục rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ mầm non
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6762/VPCP-KGVX ngày 10/10/2022 của Văn Phòng Chính phủ, để triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh đảm bảo an toàn, hiệu quả theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; Bộ Y tế trân trọng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với ngành y tế triển khai một số nội dung, cụ thể:
Rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chúng chưa đầy đủ đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, những tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; vận động học sinh và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, kịp thời.
Cử đơn vị đầu mối phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Trước đó, để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Việt Nam khi đủ căn cứ, cơ sở khoa học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bản thuộc nhóm 6 tháng - dưới 5 tuổi gồm: Trẻ từ 6 tháng - dưới 1 tuổi; trẻ từ 1 tuổi - dưới 2 tuổi; trẻ từ 2 tuổi - dưới 3 tuổi; trẻ từ 3 tuổi - dưới 4 tuổi; trẻ từ 4 tuổi - dưới 5 tuổi.
Số ca nhiễm COVID-19 trong mùa thu-đông có nguy cơ gia tăng
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 632,7 triệu ca, trên 6,58 triệu ca tử vong.
CDC Mỹ ước tính gần 13% các biến thể COVID-19 ở nước này hiện là BA.4.6 của Omicron, dự đoán sẽ trở thành chủng chủ đạo trong thời gian tới. Biến thể phụ BA.4.6 đang tăng trong vài tuần qua, chiếm gần 22% các trường hợp tại một số bang Lowa, Kansas, Missouri và Nebraska.
Đầu tháng 10, biến chủng phụ BA.4.6 chiếm 12,8% tổng số ca COVID-19 tại Mỹ, so với 11,9% được ghi nhận trong tuần trước đó. Trong khi đó, các biến chủng phụ Omicron BA.5 và BA.4 lần lượt chiếm 81,3% và 1,1%.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Viện Karolinska của Thụy Điển thực hiện, công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet, ngày 15/10 cho thấy: BA.2.75.2, một nhánh phụ của Omicron, có khả năng lẩn tránh miễn dịch gấp 6 lần so với BA.5 - chủng phổ biến toàn cầu hiện nay. Các chuyên gia cho biết số ca nhiễm COVID-19 trong mùa thu-đông có nguy cơ gia tăng, trừ khi các loại vaccine thế hệ mới đủ hiệu quả giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng.