Hiện nay, Quảng Nam có khoảng 100.000 lao động trong các khu/cụm công nghiệp. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu/cụm công nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, ngày 07/8/2021 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn 5102/ UBND-KGVX  về Phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

TT covid KCN2

Theo đó, để chủ động phát hiện sớm, ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có trường hợp mắc/nghi ngờ mắc Covid-19 tại các khu/cụm công nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của dịch bệnh tác động đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Công Thương khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, các Công ty phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là 4 địa phương (Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Đại Lộc) tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các thành viên dự họp; các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các Bộ ngành Trung ương; tham khảo Phương án của các tỉnh, thành phố… để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh Phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (cụ thể hóa hơn), báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 14/8/2021; trong đó, chú ý các nội dung:

- Các doanh nghiệp chủ động tổ chức tốt các hoạt động sản xuất an toàn trên cơ sở tự đánh giá các nguy cơ theo quy định tại Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xem đây là yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng đầu tiên để duy trì sản xuất, phòng chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng lực lượng ứng phó khi dịch phát sinh theo từng kịch bản. Thành lập, kiện toàn Tổ An toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, mỗi phân xưởng/bộ phận sản xuất phải có ít nhất 01 tổ để thực hiện nắm bắt thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nhất là quản lý, quán triệt người lao động về nghỉ cuối ngày, cuối tuần tại địa phương, yêu cầu hạn chế giao lưu, tiếp xúc, thực hiện nghiêm 5K, “01 cung đường, 02 điểm đến”.

- Yêu cầu phải có các biện pháp, giải pháp, kịch bản thực hiện “03 tại chỗ”, “04 tại chỗ”, “01 cung đường, 02 điểm đến” từ thấp đến cao (từ ít ca dương tính đến nhiều ca dương tính, từ 01 nhà máy đến nhiều nhà máy) công tác tổ chức xét nghiệm, sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ, nguy cơ cao tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu/cụm công nghiệp (trước và sau khi xuất hiện ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2). Các doanh nghiệp đảm bảo và không đảm bảo “03 tại chỗ”, “04 tại chỗ” phải thể hiện trong Phương án về biện pháp xử lý khi có dịch bệnh phát sinh (bao gồm cả dừng sản xuất, điều chỉnh sản xuất, quản lý người lao động).

- Phương án phải thể hiện kịch bản cách ly y tế, phong tỏa, khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu F0, F1, F2 (kể cả vận chuyển ra ngoài khu/cụm công nghiệp hay cách ly, điều trị tại chỗ trong phạm vi khu/cụm công nghiệp); ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, điều tra, truy vết. Phân công trách nhiệm cụ thể từng Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong các kịch bản phát sinh dịch bệnh; trong đó, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và Công ty phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp.

2. Sở Y tế tham gia trong Phương án, hướng dẫn các doanh nghiệp trong công tác tự lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện hiệu quả an toàn dịch bệnh đối với kịch bản “3 tại chỗ”, “04 tại chỗ”; cách ly, điều trị tại chỗ.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia trong Phương án về công tác phòng, chống dịch tại địa phương khi người lao động về lưu trú tại địa phương nhiều (theo từng kịch bản), bao gồm cả sống tập trung tại các khu nhà trọ hoặc sống phân tán tại gia đình.

BTV. TTGDSK