Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng trở lại tại một số địa phương trên cả nước, Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch; phát hiện kịp thời ca bệnh; chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng.

     Theo thống kê, trong 7 ngày qua (từ 9/4- 15/4), cả nước đã ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta, có 2 ngày liên tiếp số ca mắc ở con số 780 và 775 ca/ ngày. Trong khi các tuần trước đó, số mắc COVID-19 mỗi ngày chỉ vài ca, nếu cao nhất cũng chỉ vài chục ca/ ngày.

Trước thực trạng đó, TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế đã có văn bản số 823/SYT-NVY về việc, tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan, thực hiện Công văn số 2116/BYT-DP ngày 12/4/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Ngành y tế tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao; Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; Đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, tiếp tục đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, chăm sóc điều trị hiệu quả các trường hợp mắc COVID-19; chú trọng các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng và tử vong. 

td sxh.00 03 31 08.Still015

Tiêm vắc xin COVID-19

 

Để tiếp tục đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, chăm sóc điều trị hiệu quả các trường hợp mắc COVID-19. Đồng thời, sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là cấp cứu, hồi sức tích cực. Chuẩn bị hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hoá chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch, các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh đã sẳn sàng khởi động lại các khu điều trị. Ông Nguyễn Đình Hoàng – Phó giám đốc  BVĐK Khu vực miền núi Phía  Bắc Quảng Nam chia sẻ: “Hiện bệnh viện vẫn duy trì khu điều trị COVID-19 tại khoa Truyền nhiễm, có đủ phương tiện hồi sức cấp cứu tại khoa, nhân viên sẽ tăng cường điều trị khi có yêu cấu cho khu điều trị COVID-19. Trường hợp ca COVID-19 tăng cao sẽ xin mở Bệnh viện dã chiến 3 tầng tại khu B Quân sự như trước đây”.

Nhằm chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, Ts. Bs Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết: “Trung tâm đang tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng vắc xin phòng COVID-19, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm đã khởi động lại công tác đánh giá cấp độ dịch theo theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch”. 

Bên cạnh đó, công tác truyền thông lồng ghép hoạt động phòng chống dịch cũng đang được đẩy mạnh, mạng lưới truyền thông tỉnh tăng cường truyền thông trực tiếp, gián tiếp lồng ghép với công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tiêm chủng thường xuyên để đầy lùi dịch bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trong 2 ngày từ 17-18/04, CDC tỉnh đã tổ chức tập huấn giảng viên về một số phương pháp và kỹ năng chính trong đào tạo, lồng ghép thực hành tiêm chủng, truyền thông và cập nhật kiến thức về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi kết hợp tiêm chủng thường xuyên. Với các nội dung về hướng dẫn và cập nhật tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi, kết hợp tiêm chủng thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; Cập nhật, sử dụng một số vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên, tổ chức tiêm chủng, bảo quản vắc xin; Cập nhật Quyết định số 1575/QĐ-BYT ngày 27/3/2023 về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em thay thế cho Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019; Quản lý AEFI cho trẻ dưới 12 tuổi, thống kê báo cáo, giám sát hỗ trợ cho tuyến tỉnh và huyện; Một số phương pháp và kỹ năng chính trong đào tạo người lớn lồng ghép thực hành tiêm chủng, truyền thông, bảo quản và khắc phục sự cố thường gặp của dây chuyền lạnh tuyến xã; Hướng dẫn và thống nhất kế hoạch hoạt động, sử dụng các công cụ, biểu mẫu báo cáo của dự án MOMENTUM 2.

Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe