TS.BS Mai Văn Mười - TUV, GĐ Sở Y tế.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện các chỉ đạo rất sát thực nên đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, góp phần tích cực vào sự hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đúng tinh thần trách nhiệm cao, vừa thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch COVID-19, không ngăn sông cấm chợ

.1 Ts. Bs Mai Van Muoi bao cao cong tac nganh y te

TS.BS Mai Văn Mười -TUV, GĐ SYT báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND tỉnh Quảng Nam
Xác định tình hình
Dịch COVID-19 vẫn đang là mối quan tâm lớn của cả hệ thông chính trị, tại một số tỉnh hiện tại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đợt dịch thứ tư tính đến 23/6 TP. Hồ Chí Minh, hiện ghi nhận 1.857 ca mắc với 20 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến; Bình Dương, hiện ghi nhận 141 ca mắc trong đợt dịch thứ 4 với 03 chuỗi lây nhiễm trong đó có liên quan đến các ổ dịch tại TP. Hồ Chí Minh và xảy ra tại nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp; Nghệ An, hiện ghi nhận 34 ca mắc với 5 chuỗi lây bệnh, Hà Tĩnh, hiện ghi nhận 84 ca mắc; Đà Nẵng, từ ngày 18/6 - 23/6 ghi nhận 41 ca mắc mới từ 01 trường hợp tiếp xúc với 01 lái xe (là F0) chở hàng từ TP. Hồ Chí Minh. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng trong thời gian tới.
Quảng Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 42 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, đến ngày 20/6/2021, ghi nhận 01 trường hợp tại huyện Duy Xuyên (BN12984); là F1 liên quan đến BN12437 là nhân viên bảo vệ tại Đà Nẵng; Biến thể Delta của vi rút SARS- CoV-2 lây lan nhanh hơn và có thể giảm độ hiệu quả của vaccine. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh, huyện ca bệnh được truy vết, xét nghiệm kịp thời, cách ly điều trị sớm cùng với phun thuốc khử khuẩn môi trường, nên hiện chưa có ca ghi nhận liên quan đến trường hợp này.
Tuy nhiên, không thể chủ quan trước tình hình dịch diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn trước; đợt dịch lần này xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm và biến chủng vi rút mới có khả năng lây nhanh hơn trên diện rộng, chủng vi rút phổ biến trong đợt này làm tăng bệnh nặng hơn so với các đợt trước; dịch không chỉ lây nhiễm qua tiếp xúc gần mà còn lây nhiễm qua không khí nên đã lây lan rất nhanh trong không gian kín, đặc biệt là trong nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người. Trong khi đó Quảng Nam cũng là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn.
Chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao
- Công tác chỉ đạo kịp thời, sát thực:
Với phương châm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc” Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn và với cách làm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, dập dịch tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ khi chưa có dịch; tấn công là chủ động, là đột phá; xét nghiệm chủ động ở những nơi chưa có dịch, xét nghiệm thần tốc ở những nơi có dịch; kịp thời tiêm chủng vắc xin cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21; Các cấp ủy và chính quyền địa phương nỗ lực, khẩn trương bám sát tình hình, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, sáng tạo, linh hoạt; huy động toàn hệ thống chính trị và người dân vào cuộc với mục tiêu nhanh chóng ổn định tình hình, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, các hướng dẫn của Bộ Y tế;
Bình tĩnh, không lúng túng khi ghi nhận ca dương tính; áp dụng linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế trên nguyên tắc khoanh vùng rộng để lấy mẫu xét nghiệm và phong tỏa hẹp, đảm bảo vừa triển khai chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-BCĐ ngày 17/6/2021 về việc ban hành “Phương án thực hiện các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo từng cấp độ phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh”; căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”; theo đó: Thực hiện các Chỉ thị 19, 15 và 16 tùy theo mức độ nguy cơ và Quyết định số 1455/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam quy định quản lý người từ các địa phương có dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng đến Quảng Nam.
- Truy vết thần tốc, cách ly y tế kịp thời: Liên quan đến BN12984 tại Duy Xuyên (là F1 của BN12437) công bố tại Quảng Nam ngày 20/6/2021 có 27 trường hợp F1, 80 trường hợp F2 đã được giám sát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và kết quả xét nghiệm lần 1 đều âm tính; Liên quan đến các bệnh nhân công bố tại Đà Nẵng từ ngày 19/6/2021 tại thành phố Đà Nẵng có 12 trường hợp F1 và 70 trường hợp F2 đã được giám sát, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều âm tính; Kết quả quản lý, giám sát y tế người từ TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội về tỉnh Quảng Nam: 5.171 người được giám sát (trong đó 4.788 người về từ TP Hồ Chí Minh; 383 người về từ TP Hà Nội); đang cách ly y tế tập trung 223 người; cách ly y tế tại nhà 4.948 người; có 4.934 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 4.920 mẫu có kết quả âm tính (-), 14 mẫu đang chờ kết quả; các đối tượng còn lại sẽ được lấy mẫu vào những ngày tiếp theo theo quy định; Cách ly y tế kịp thời: Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Quảng Nam đã thực hiện cách ly y tế tập trung tổng số 8.161 người; cách ly tại cơ sở y tế tổng số 75 người và cách ly y tế tại nhà cho 20.211 người.
- Chủ động tấn công bằng cách nâng cao năng lực xét nghiệm: Tổ chức tốt công tác điều phối lấy mẫu, xét nghiệm, huy động lực lượng, thiết bị xét nghiệm từ các cơ sở y tế trên địa bàn. Áp dụng các phương pháp xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế, áp dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp xét nghiệm gộp mẫu real time RT-PCR, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện đã thực hiện 41.099 mẫu xét nghiệm, trong đó: 16 mẫu dương tính (+), 41.051 mẫu âm tính (-) và 32 mẫu chưa có kết quả. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam có 03 hệ thống máy xét nghiệm PCR để phục vụ việc xét nghiệm SARS-CoV-2. Với sự hỗ trợ đó, hiện nay năng lực xét nghiệm tại đơn vị khoảng 1.100 mẫu đơn/ngày; nếu gộp mẫu có thể xét nghiệm từ 5.000 mẫu - 10.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có thêm 04 cơ sở thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 khác là Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Khu vực, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức và Trường Đại học Phan Châu Trinh.
- Tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Đợt 1 Quảng Nam đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 11.520 đối tượng, tỷ lệ phản ứng thông thường là 17,5%; không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Triển khai tiêm đợt 2 Quảng Nam được cấp 23.630 liều vắc xin, dự kiến, đợt 2 sẽ kết thúc vào ngày 10/7/2021.
- Phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp: Thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất lớn; Trong thời gian gần đây, một số ca bệnh đã xuất hiện trong các nhà máy, khu công nghiệp trong nước ta đã làm cho dịch bệnh trở nghiêm trọng, khó kiểm soát. Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay là do đặc điểm các khu công nghiệp thường thu hút lực lượng lao động đông đến từ nhiều địa phương, người lao động làm việc trong môi trường khép kín, thuận tiện cho dịch bệnh lây nhiễm. Trong khi đó, phần lớn người lao động ở thuê tại các xóm trọ, nhà trọ dành cho công nhân do tư nhân xây dựng và quản lý, cho nên diện tích ở chật hẹp, số lượng người ở chung một phòng thường đông, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại khu vực này rất cao. Việc xuất hiện dịch COVID-19 trong khu/cụm công nghiệp gây thiệt hại về kinh tế, làm đứt gãy các chuổi cung ứng và ngưng trệ hoạt động sản xuất tại các cơ sở, nhà máy, xí nghiệp, gây khó khăn trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh được đề ra từ đầu năm 2021.
Tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID- 19
Trong thời gian tới, các Sở, Ban, Ngành ….tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:
- Toàn dân thực hiện nghiêm 5K: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, dần hình thành nếp văn hóa này trong điều kiện có dịch bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI và cài đặt, sử dụng phần mềm truy vết Bluezone;
- Chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, nhất là nơi có lực lượng lao động lớn.
- Sẵn sàng huy động ngay hệ thống phòng chống dịch trong trường hợp xuất hiện ca bệnh dương tính với COVID-19 để khẩn trương, thần tốc, quyết liệt khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh, kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng; mặt khác, có phương án duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Đẩy mạnh tiêm vắc xin để phòng bệnh hiệu quả.