Bệnh Thủy đậu hay còn gọi là bệnh đậu mùa là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút thủy đậu (Varicellavirus) thuộc họ Herpesviridae gây ra. Vi rút thủy đậu là tác nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn nên còn có tên là vi rút thủy đậu - zona (VZV).

Thuy dau

Bệnh Thủy đậu (ảnh minh họa)

Ở nước ta xảy ra quanh năm, thường tăng cao vào mùa xuân, đây là khoảng thời gian mà độ ẩm trong không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh.

Tại Quảng Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận 238 ca bệnh thủy đậu, cao hơn gấp 3 lần so với cùng kì năm 2022; bệnh thủy đậu đã được ghi nhận ở 15/18 huyện, thị xã, thành phố. Các đại phương có số mắc bệnh thủy đậu cao nhất là Đại Lộc, Tây Giang, Điện Bàn, Quế Sơn…

Biểu hiện của bệnh Thủy đậu

Các triệu chứng bệnh Thủy đậu sẽ nặng nhẹ tùy trường hợp, người bệnh bắt đầu sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu và phát ban đỏ có đường kính vài milimet từ 24 – 48 giờ; một số trường hợp có thể bị viêm họng và nổi hạch sau tai. Sau 24 - 36h người bệnh sốt, đau đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói và có phát ban; ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong. Các tổn thương ban đầu thường mọc ở đầu và mặt, sau đó lan ra thân mình và các chi, mọc nhiều ở vùng ít tỳ ép như: vùng liên bả vai, bên sườn, nách, kheo, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, ít hơn ở các chi, riêng bàn chân và bàn tay hiếm khi bị.

Ban thủy đậu thường có dạng vết chấm, nổi sẩn phù, trong vòng 24 - 48h, mụn nước sẽ như giọt nước, nông, có thành mỏng, có quầng viêm đỏ xung quanh, thường kèm theo các cơn ngứa ran. Từ 8 - 12h sau, dịch mụn nước chuyển màu vàng nhạt, trở nên lõm xuống và nhanh chóng trở thành mụn mủ màu trắng mịn, sau chuyển thành vảy tiết màu đỏ nâu. Vảy tiết rụng sau 1-3 tuần, lúc khỏi để lại vết hồng, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn(nếu bị bội nhiễm).

Phương thức lây truyền bệnh

Thủy đậu là một trong những bệnh rất dễ lây. Bệnh thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng.

Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc.

Thời kỳ lây truyền bệnh thủy đậu: Dài nhất là 5 ngày, nhưng thường là từ 1-2 ngày trước phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên.

Phòng bệnh thủy đậu

Theo Cục Y tế dự phòng, để phòng tránh bệnh thủy đậu cần thực hiện các biện pháp sau:

- Bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch tránh bị phơi nhiễm bằng cách tiêm chủng cho những người trong gia đình, cho những người tiếp xúc gần.

- Người từng mắc bệnh thủy đậu sau khi khỏi bệnh sẽ không mắc lại bệnh thủy đậu. Đối với những người chưa từng mắc thủy đậu cần thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng thủy đậu. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên mới có thể tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu; Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu như sau:

+ Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5 ml dưới da.

+ Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.

Phòng tránh lây lan

- Cách ly: Cách ly trẻ em mắc thủy đậu ở nhà trong 7 ngày. Những trẻ có tiếp xúc với người bị thủy đậu cần cách ly 11 - 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh không được đi làm, tránh tiếp xúc với những người khác.

- Sát khuẩn tẩy uế đồ vật bị nhiễm dịch tiết từ mũi họng.

- Người tiếp xúc: Globulin miễn dịch thủy đậu - zona (VZIG) có tác dụng phòng bệnh cho người tiếp xúc nếu tiêm trong vòng 96 giờ sau khi phơi nhiễm.

Điều trị bệnh thủy đậu:

- Điều trị triệu chứng: Chống ngứa bằng thuốc chống ngứa tại chỗ hoặc toàn thân.

- Vệ sinh thân thể, thay quần áo hàng ngày. Bôi thuốc sát trùng, dùng kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm.

- Dùng thuốc kháng vi rút: Vidarabine (adenine arabinoside), acyclovir.

Tài liệu tham khảo: https://vncdc.gov.vn/benh-thuy-dau-nd14515.html)

Mai Loan – Khoa PC BTN