Botulinum là gì?

Botulinum là một chất cực độc được sản sinh ra trong quá trình phát triển của vi khuẩn yếm khí Clostridium botulinum.
Ngộ độc botulinum còn có tên gọi là botulism, có đặc điểm gây yếu liệt cơ toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau phụ thuộc vào lượng độc chất xâm nhập cơ thể. Bệnh nhân bị nhiễm độc nặng có khả năng tử vong nhanh (vài giờ sau khi tiếp xúc độc tố) trong bệnh cảnh suy hô hấp do liệt cơ. Bệnh có chẩn đoán khó khăn, chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiến sử tiếp xúc độc chất. Botulism là căn bệnh “dễ bị lãng quên”.

Clostridium botulinum

Vi khuẩn Clostridium botulinum dưới kính hiển vi điện tử

Clostridium botulinum là vi khuẩn Gram (+) kỵ khí, có dạng thẳng hoặc hơi cong, kích thước 0,5-2 µm x 1,6-22 µm, có khả năng di động. Vi khuẩn Clostridium botulinum có thể chuyển sang dạng bào tử và có thể tồn tại ở dạng này trong thời gian khoảng ≥ 30 năm. Bào tử Clostridium botulinum phân bố khắp nơi trong môi trường tự nhiên như đất, nước, sông, biển và cả trong không khí. Khi gặp điều kiện thuận lợi chúng tái hoạt động và có khả năng sinh ra botulinum – một độc tố thần kinh cực mạnh. Botulinum có 7 type huyết thanh (từ A – G). Các độc tố type A, B, E, F gây bệnh ở người, mức độ độc xếp theo thứ tự. Vi khuẩn Clostridium botulinum bị diệt trong nhiệt độ 1000C > 10 phút, 800C > 30 phút. Bất hoạt trong môi trường có oxy, acid đậm đặc (pH <4,6) hay rất mặn (NaCl >5%). Chất độc botulinum không màu, không mùi, rất khó phát hiện, bị phá hủy ở nhiệt độ 80 - 1000C trong vòng 5 - 15 phút.

Các loại ngộ độc Botulinum

- Ngộ độc ở trẻ sơ sinh: xảy ra nếu các bào tử của vi khuẩn xâm nhập vào ruột của trẻ sơ sinh, tái hoạt và tạo ra độc tố gây bệnh.
- Ngộ độc vết thương: xảy ra nếu các bào tử của VK xâm nhập vào vết thương và tạo ra độc tố.
- Ngộ độc thực phẩm: xảy ra khi ăn thực phẩm bị nhiễm độc tố botulinum.
- Ngộ độc do điều trị: xảy ra nếu tiêm quá nhiều độc tố botulinum.
- Ngộ độc ruột ở người trưởng thành: rất hiếm gặp, cơ chế tương tự như ngộ độc ở trẻ sơ sinh.
Đối với ngộ độc thực phẩm, triệu chứng lâm sàng khởi phát sau ăn trung bình 12 – 36 giờ, tuy nhiên tùy theo lượng độc tố xâm nhập triệu chứng lâm sàng có thể xảy ra nhanh khoảng vài giờ hay chậm hơn đến vài ngày sau ăn, điển hình gồm có buồn nôn, nôn ói, đau bụng, vẻ mặt đờ đẫn mất nếp nhăn, nhìn mờ hoặc nhìn đôi sụp mí mắt, khó nói, khó nuốt, khó thở, yếu liệt cơ đối xứng, toàn thân.

Chẩn đoán ngộ độc Botulinum:

Chẩn đoán ngộ độc Botulinum chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Ngộ độc Botulinum rất nguy hiểm nên không đợi xác nhận của phòng thí nghiệm mà nên bắt đầu điều trị ngay.
- Về lâm sàng: điều tra dịch tễ là rất quan trọng để hướng tới chẩn đoán và phòng ngừa. Ngộ độc Botulinum khác với các bệnh liệt mềm khác ở chỗ thường biểu hiện ban đầu với liệt dây thần kinh sọ, xuất hiện nhanh, tiến triển giảm dần không đổi; luôn yếu liệt đối xứng và không có rối loạn chức năng thần kinh cảm giác.
- Cận lâm sàng: Cấy bệnh phẩm từ thức ăn dư thừa, phân, dịch vết thương…vv. làm xét nghiệm PCR vi khuẩn, độc chất; thử nghiệm trung hòa độc tố trên chuột MRI; đo điện cơ, chọc dò dịch não tủy…vv chủ yếu là để chẩn đoán phân biệt.

Điều trị ngộ độc Botulinum::

Điều trị đặc hiệu: Trung hòa độc tố (BAT): được chỉ định khi có bằng chứng tình trạng yếu liệt cơ tiến triển. Điều trị hỗ trợ: thở máy, chống bội nhiễm, dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu.
Hậu quả của ngộ độc botulinum
Hậu quả ngộ độc botulinum thường là thương tật lâu dài; ngộ độc nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân phải thở máy trong nhiều tuần, sau vài tuần, tình trạng liệt cơ mới dần được cải thiện; chỉ một số ít bệnh nhân ngộ độc phục hồi được sức khỏe như trước khi bị nhiễm bệnh; đối với những người hồi phục hoàn toàn, sức mạnh cơ bắp cải thiện sau ba tháng, tuy nhiên sự cải thiện liệt cơ khoảng một năm; những bệnh nhân ngộ độc cấp tính có thể dẫn đến rối loạn chức năng tâm lý dai dẳng. Phần lớn sau ngộ độc, người bệnh có những hạn chế đáng kể về sức khỏe, chức năng và tâm lý xã hội gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, khô miệng và khó nâng vật nặng.

Dự phòng ngộ độc botulinum

- Phòng ngộ độc thực phẩm: cần làm lạnh thực phẩm trong hai giờ sau khi nấu nếu chưa sử dụng ngay, làm lạnh đúng cách sẽ ngăn vi khuẩn tạo ra bào tử; nấu chín kỹ thức ăn; tránh ăn thức ăn đóng hộp khi có biểu hiện hư hỏng hoặc phồng lên; tiệt trùng thực phẩm đóng hộp tại nhà trong nồi áp suất ở 250°F (121°C) trong 30 phút; vứt bỏ thực phẩm có mùi hôi; tránh ăn các thực phẩm lên men, ủ chua không đúng cách.
- Ngộ độc ở trẻ em: Không nên cho trẻ dưới một tuổi uống mật ong. Tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ có thể làm chậm sự phát triển của bệnh nếu bị ngộ độc.
- Phòng ngộ độc vết thương: Không lạm dụng thuốc tiêm; điều trị tích cực nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm đỏ, đau, sưng hoặc có mủ; làm sạch vết thương bị ô nhiễm bởi bụi bẩn và đất triệt để.
- Ngộ độc do điều trị: Chỉ tiêm Botox từ các chế phẩm được các chuyên gia y tế được cấp phép.

TS.BS Trần Văn Kiệm - GĐ CDC Quảng Nam