Sau các đợt bão lũ kéo dài từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, nhiều tỉnh miền Trung đã ghi nhận số lượng ca mắc bệnh Whitmore tăng cao. Tại bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam, tính từ đầu tháng 12 đã ghi nhận 10 ca mắc bệnh. Theo đó, các bệnh nhân được nhập viện điều trị có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, sinh sống chủ yếu ở các huyện như Tiên Phước, Thăng Bình, Phước Sơn… Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân đang dần ổn định.
Theo Ts.Bs Lê Viết Nhiệm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, BVĐK Trung Ương Quảng Nam, bệnh Whitmore hay còn được gọi Melioidosis, là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Loài vi khuẩn này được tìm thấy trong đất và các vùng nước tù đọng, ô nhiễm. Bệnh đặc biệt xuất hiện vào mùa mưa, chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi người dân thường xuyên tiếp xúc với bùn đất.
Cũng theo các chuyên gia y tế: Do điều kiện mưa lũ, nước dâng nên vi khuẩn theo nguồn nước lan rộng ra nhiều nơi. Người mắc bệnh Whitmore chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vị trí da, vết thương bị xây xước hoặc hít phải bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm khuẩn. Chỗ xâm nhập chúng gây thành mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn. Đối với những người có sức đề kháng kém như người mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh thận, bệnh tiểu đường hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy… khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo máu đi đến khắp cơ quan trong cơ thể, nhất lá gan, lách, phổi gây ra các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến trầm trọng, có thể sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, bệnh nhân có thể tử vong. Bệnh có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Cộng thêm thời gian ủ bệnh từ 1 đến 21 ngày nên việc phát hiện bệnh này gặp khá nhiều khó khăn. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện khi xét nghiệm máu.
Bệnh nhân D.V.T, 46 tuổi, quê ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết: Bản thân tôi không nghĩ mình mắc bệnh Whitmore, tôi làm nghề phụ hồ nên lâu lâu bị trầy xước với nhiều vết bầm là chuyện bình thường, nhà tôi lại nằm trong vùng ngập lụt, nên 1 tháng trở lại đây, tôi có ngâm nước lũ, kèm theo thời gian dài dọn dẹp nhà cửa sau lũ cũng khiến tôi nổi vết sưng và nhức ở đùi .Tôi cứ nghĩ đó là bình thường, đến khi sốt cao kèm ớn lạnh, tôi mới được gia đình đưa vào cấp cứu, chẩn đoán và xét nghiệm máu, mới phát hiện mình mắc bệnh Whitmore.’’
Ts.Bs Lê Viết Nhiệm cho biết thêm: Điều trị Whitmore rất khó khăn do vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh thông thường. Quá trình điều trị gồm hai đoạn. Giai đoạn tấn công (điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch) mục đích ngăn tình trạng nhiễm khuẩn nặng để cứu sống bệnh nhân. Ở giai đoạn này, các bác sĩ điều trị với phát đồ đặc hiệu dùng kháng sinh phối hợp. Sau khi tình trạng toàn thân bắt đầu ổn định, bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh kéo dài, kết hợp với các biện pháp điều trị chuyên khoa tai mũi họng như: rửa vết thương, kiểm soát và xử lý các tổn thương tai - mũi - họng. Tiếp đến là giai đoạn duy trì (kháng sinh uống), bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh đường uống duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Những trường hợp nặng, điều trị duy trì có thể kéo dài đến 1 năm nhằm mục đích tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát. Nếu có biểu hiện Whitmore ở phổi và khi cấy vi khuẩn vẫn có dương tính sau 5 tháng, bệnh nhân cần xem xét đến việc phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi để lại bỏ các áp xe phổi.
Bệnh nhân L.H.S, 43 tuổi, ngụ xã Đại Thắng, Huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết: Tôi làm nghề nông, vốn quen với việc đồng ruộng. Trước khi mắc bệnh, tôi có tham gia dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng sau lũ thì ngón chân bắt đầu có mủ, đau đớn và không đi lại được. Sau đó, tôi bị sốt và tiêu chảy kéo dài. Tôi được nhập viện điều trị ở Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam, bác sĩ chẩn đoán nói tôi mắc bệnh Whitmore, sau đó tôi được chuyển đển Bệnh viện Đà nẵng. Hiện được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn và điều trị, sức khỏe tôi cũng dần ổn định lại rồi.
Sở Y tế Quảng Nam đã có công văn yêu cầu tất cả các địa phương trên toàn tỉnh, tuyên truyền đến người dân chủ động phòng bệnh Whitmore. Do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, nên người dân cần hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm; sử dụng giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, nước lụt. Khi có vết thương hở ở da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm, găng tay cao su, ủng cao su… rửa sạch sẽ trước và ngay sau khi tiếp xúc. Ngoài ra, những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, gan mãn tính, phổi mãi tính, thận mãn tính, suy giảm miễn dịch … là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, cần được điều trị ổn định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Đặc biệt, mùa mưa lũ là điều khiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển, do đó người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và nhân viên y tế cần cảnh giác để chẩn đoán đúng, điều trị bệnh kịp thời. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Viết Thạnh