Quá trình phòng chống dịch Covid-19 của Quảng Nam đã rút ra được những bài học quý giá, đó là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tích cực, quyết liệt, nhất quán, phát huy được vai trò của cộng đồng trong phòng chống dịch; công tác thông tin, tuyên truyền tích cực, hiệu quả; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, truy vết, xét nghiệm,... nói về công tác chống dịch COVID-19 trong năm 2020 và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế tỉnh trong năm 2021, sáng ngày 11/1/2021, TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đã dành thời gian trả lời với báo Đại đoàn kết về vấn đề này. 
PV: Thưa ông, Quảng Nam thời gian qua đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, xin ông cho biết những bài học được rút ra trong công tác này?

TS Mai Văn Mười: Năm 2020 có thể nói là một năm đặc biệt của ngành y tế Quảng Nam, bên cạnh hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên thì qua thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 đã đem lại cho ngành Y tế những bài học quý giá.

Trước hết phải nói rằng, năm 2020, tình hình khí hậu, môi trường, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp; đặc biệt là đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới tác động trên tất cả các lĩnh vực đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, làm quá tải hệ thống y tế và gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay, Việt Nam cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và bài học quý giá, kinh nghiệm được rút ra khi chúng ta ứng phó với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác đó là:

Đầu tiên phải nói đến sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; các địa phương, Sở, Ban, ngành, đoàn thể, người dân đóng góp tích cực, nhanh chóng, kịp thời và đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Mọi người dân đều có ý thức chấp hành rất nghiêm túc, góp phần khống chế dịch ngay tại cộng đồng.

Cùng với đó, công tác truyền thông và tuyên truyền vận động đến từng cán bộ, đảng viên, nhân dân và đến từng hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; thông tin tuyên truyền phổ biến rõ ràng, cụ thể và đầy đủ, với nhiều giải pháp để mọi người có thể hiểu và thực hiện theo.

Chúng tôi đã triển khai các phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ, thực hiện 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng, chống dịch Covid-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả, cụ thể là: “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”.

bai DDK bien gioi

Kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vùng biên giới.

Tổ chức ngăn chặn nguồn lây bằng cách giám sát chặt chẽ người đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố có dịch; phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát nhóm người có nguy cơ và tổ chức cách ly hiệu quả tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng với tinh thần theo chỉ đạo là “Thần tốc và triệt để”.

Phối hợp với Sở, ngành liên quan tổ chức hiệu quả công tác cách ly tập trung, cách ly tại cơ sở y tế và cách ly tại nhà theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chủ động tổ chức công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh ở cộng đồng, quy trình phản ứng nhanh được tiếp tục vận hành, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó cũng đảm bảo năng lực thu dung và điều trị hiệu quả cho người mắc bệnh, Ngành y tế luôn chủ động sẵn sàng các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Các bệnh viện tổ chức tốt công tác phân luồng, thu dung cấp cứu điều trị những trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở và đặc biệt là có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Covid-19…

Thực hiện nghiêm quy trình cách ly, điều trị bệnh nhân, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong bệnh viện và cán bộ y tế theo Quyết định 3088 BYT.

PV. Thưa ông, nhiệm vụ chính cần tập trung của ngành Y tế Quảng Nam trong năm 2021 là gì?

TS Mai Văn Mười: Tôi phải nói ngay rằng, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, dự báo đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp.

Nhưng kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, cũng như những bài học về phòng, chống dịch Covid-19, theo tôi ngành y tế tỉnh nhà tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể, đó là, phấn đấu đạt chỉ tiêu chủ yếu năm 2021 được Bộ Y tế, UBND tỉnh giao; tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án phát triển ngành phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm. Phòng, chống dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân: Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở; triển khai đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn. Triển khai quản lý sức khỏe toàn dân; các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Đẩy mạnh triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, Đề án Bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Đẩy nhanh việc thực hiện chăm sóc toàn diện đối với người bệnh. Phát huy lợi thế và kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại.

bai ĐK chan dung 10

TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.
Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như hồ sơ sức khỏe điện tử; theo dõi, cảnh báo dịch bệnh; hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh; hệ thống quản trị y tế thông minh.

Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức, đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn. Nâng cao đạo đức ngành Y thông qua việc giáo dục y đức.

Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và điều trị, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển dược liệu.

Chúng tôi tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em có chất lượng, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Chúng tôi luôn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.