SKĐS - Trong tuần đầu tiên của tháng 11, cả nước ghi nhận khoảng 3.300 ca COVID-19; WHO tiếp tục khuyến cáo các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, tuy nhiên nhiều tỉnh, thành vẫn tiêm rất chậm.
Một tuần ghi nhận khoảng 3.300 ca mắc COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ngày 7/11 có 365 ca mắc COVID-19, tăng thêm hơn 124 ca so với trước đó. Trong ngày không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.506.214 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.279 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.604.781 ca, trong số hơn 850 nghìn người đang theo dõi, giám sát số bệnh nhân đang thở ô xy là 54 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 42 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Trong tuần đầu tiên của tháng 11, tổng số ca mắc COVID-19 khoảng 3.300 ca COVID-19, trung bình mỗi ngày khoảng hơn 470 ca. Con số này nếu so với cùng kỳ tháng 9 hay 10 thì giảm mạnh. Trong tuần đầu tháng 11 cũng ghi nhận 3 ca tử vong, số bệnh nhân nặng vẫn trong khoảng hơn 50- hơn 60 ca/ ngày.
Theo Bộ Y tế tình hình dịch COVID-19 cơ bản ổn định, tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Do đó, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Hàng loạt tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 chậm
Thống kê của Bộ Y tế đến hết ngày 7/11, tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 262.384.407 mũi. Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, đến nay đã tiêm mũi 3 được tổng số có 51.309.949 mũi (đạt tỷ lệ 79,1%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (61,9%); Bình Định (58,6%); Phú Yên (61%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,8%); Sóc Trăng (98,0%).
Vê tiêm mũi 4: Tổng số có 16.512.566 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 84,6%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 là 5.506.937 trẻ (đạt tỷ lệ 64,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,7%); Phú Yên (31,7%); Bình Thuận (42,4%); TP. HCM (35,5%); Đồng Nai (42%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,3%); Lâm Đồng (93%); Sóc Trăng (99,3%).
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, sau gần 7 tháng triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vaccine đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này đạt 16.772.694, trong đó mũi 1: 9.876.357 trẻ (88,9%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP. HCM (62,4%); Bà Rịa- Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)
Mũi 2, đã tiêm 6.896.337 trẻ (đạt tỷ lệ 62,1%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP. HCM (34,9%); Bà Rịa- Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (94,1%).
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới, số người mắc COVID-19 thời gian qua nhiều, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.
Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.
Các vaccine COVID-19 được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 637,7 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 66.397 trường hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khuyến cáo các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine IndoVac do hãng dược nhà nước PT Bio Farma sản xuất để tiêm tăng cường ngừa COVID-19. Loại vaccine nội sử dụng nền tảng tiểu đơn vị protein này có thể được sử dụng để tiêm tăng cường mũi thứ 3 hoặc mũi thứ 4 cho người dân.
Kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng được công bố trước đó cho thấy vaccine IndoVac an toàn về mặt tác dụng phụ sau tiêm chủng với các tác dụng phụ nhẹ như đau tại chỗ tiêm. Loại vaccine này cũng được chứng minh là có hiệu quả tốt trong việc tăng nồng độ kháng thể.
Trong các thử nghiệm miễn dịch cùng với các loại vaccine đối chứng khác, IndoVac đạt hiệu quả bảo vệ trên 80% - mức bảo vệ không thua kém, thậm chí cao hơn so với các loại vaccine đối chứng khác.