Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, trước diễn biến của dịch bệnh này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch, chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập. Kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Cụ thể đối với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, hướng dẫn giám sát, phòng bệnh, chẩn đoán...
Đồng thời tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh đậu mùa khỉ qua hệ thống giám sát bệnh tật. Kịp thời phát hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ mới, bất thường.
Đối với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có). Chủ động báo cáo, tham mưu Bộ Y tế thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó rà soát, sẵn sàng các thiết bị, sinh phẩm, kỹ thuật xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị các trường hợp mắc bệnh; hỗ trợ công tác lấy mẫu, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 90%), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất.
Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm phát ban có thể kéo dài 2-4 tuần, sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết. Phát ban trông giống như mụn nước hoặc vết loét và có thể xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, háng, bộ phận sinh dục và hoặc hậu môn.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Người dân chú ý khi phát hiện triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo VOV