Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 12/6/2023, cả nước ghi nhận 03 ca tử vong do tay chân miệng. Đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, số mắc tay chân miệng thấp hơn số mắc cùng kì năm 2022, tuy nhiên trong tình hình thời tiết hè - thu, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh tay chân miệng phát triển, đặc biệt phát triển mạnh với chủng Coxsackievirus 61 và Enterovirus 71. Vì vậy, bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Vậy, bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra.

Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng:

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

- Biểu hiện chính của bệnh tay chân miệng tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

- Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

tay

Hình ảnh: Vị trí và các đặt điểm phát ban trong bệnh tay chân miệng.

(Nguồn: Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế)

            Cách phòng chống bệnh tay chân miệng:

1. Nguyên tắc phòng bệnh:

- Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.

- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

2. Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:

- Cách ly theo nhóm bệnh.

- Nhân viên y tế: Mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.

- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh.

- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

3. Phòng bệnh ở cộng đồng:

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh./.

(Nguồn từ: Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/3012 của Bộ Y tế và
Công văn 1408/SYT-NVY ngày 14/6/2023 vủa Sở Y tế Quảng Nam)