Ngày 25/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (QCĐP) với ký hiệu QCĐP 01:2023/QNm. Đây cũng là quy chuẩn đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

          Quy chuẩn chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2024, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh (sau đây gọi tắt là đơn vị cấp nước) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch; các phòng thử nghiệm và tổ chức chứng nhận các thông số chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

tghhhh

          Theo đó, các quy định kỹ thuật về danh mục các thông số chất lượng nước sạch, ngưỡng giới hạn cho phép có 34 thông số gồm 8 thông số nhóm A và 26 thông số nhóm B. Trong đó, là các thông số vi sinh vật, cảm quan và vô cơ, hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, chất khử trùng và sản phẩm phụ, nhiễm xạ. Thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp TCVN ISO/IEC 17025.

         Đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm định kỳ toàn bộ các thông số chất lượng nước sạch của nhóm A, nhóm B trong Danh mục các thông số chất lượng nước sạch quy định: Tần suất thử nghiệm đối với các thông số chất lượng nước sạch nhóm A: không ít hơn 01 lần/1 tháng. Tần suất thử nghiệm đối với các thông số chất lượng nước sạch nhóm B: không ít hơn 01 lần/6 tháng. Số lượng mẫu lấy mỗi lần thử nghiệm; Vị trí lấy mẫu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT ban hành kèm Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

          Nêu rõ trách nhiệm: 

          Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai việc thực hiện Quy chuẩn này trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo Quy chuẩn này trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận bản công bố hợp quy của đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí (trong ngân sách hàng năm) cho việc thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát chất lượng nước do hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp đảm bảo sức khỏe người dân; thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định mới ban hành và tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn cho phù hợp với quy định và yêu cầu quản lý tại địa phương.

          Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có quy mô từ 500 hộ gia đình trở lên (hoặc công suất thiết kế từ 1.000m3/ngày đêm trở lên trong trường hợp không xác định được số hộ gia đình); phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước của các đơn vị cấp nước có quy mô dưới 500 hộ gia đình (hoặc công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm trong trường hợp không xác định được số hộ gia đình); báo cáo kết quả ngoại kiểm theo quy định.

          Việc xây dựng QCĐP về chất lượng nước sạch để xác định các thông số thử nghiệm đặc trưng cho tỉnh nhằm kiểm soát tốt chất lượng nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí sản xuất nước, giảm chi phí giá thành nước sinh hoạt.

         Mặt khác QCĐP có ý nghĩa rất quan trọng tạo được sự bình đẳng trong tiếp cận nước sạch giữa khu vực nông thôn và thành thị; giảm chi phí xét nghiệm cho các đơn vị cấp nước và hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng./.

ThS. Huỳnh Thị Thúy Loan

                                                Khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học

Tệp đính kèm: Chi tiết nhấn vào link bên dưới để xem: