Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Bạch hầu, sởi,… có thể xuất hiện và gây dịch nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Thực tế cho thấy rất nhiều năm qua, với việc tiêm chủng vắc-xin, con người đã không chỉ đối phó thụ động với bệnh tật bằng điều trị mà đã chủ động phòng chống lại bệnh tật qua biện pháp y tế dự phòng hữu hiệu đó là vắc xin.
Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Bạch hầu, sởi,… có thể xuất hiện và gây dịch nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Thực tế cho thấy rất nhiều năm qua, với việc tiêm chủng vắc-xin, con người đã không chỉ đối phó thụ động với bệnh tật bằng điều trị mà đã chủ động phòng chống lại bệnh tật qua biện pháp y tế dự phòng hữu hiệu đó là vắc xin.
Bản chất việc tiêm vắc-xin là để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động chống lại một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tính đến nay, trên thế giới có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh và nhờ vắc-xin mỗi năm đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm các loại vắc-xin phòng ngừa 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản, sởi, rubella, tả và thương hàn. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh. Ngoài ra, tiêm chủng vắc-xin còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn (phòng các bệnh cúm, viêm màng não do não mô cầu, ung thư gan, ung thư cổ tử cung...).
Tuy nhiên, gần đây một số bệnh đã được bảo vệ bằng vắc xin xuất hiện trở lại, nguy hiểm hơn là các bệnh có nguy cơ diễn biến thành dịch, vậy đâu là nguyên nhân.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm chủng vắc xin để phòng bệnh rất có hiệu quả, cơ thể người được miễn dịch bởi vắc xin có thể không mắc bệnh hoặc nếu mắc bệnh cũng sẽ diễn biến nhẹ hơn khi phơi nhiễm phải nguồn lây. Trong khi gần đây vẫn ghi nhận những ca tử vong của các bệnh trong chương trình tiêm chủng, nguyên nhân có thể do tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương vẫn còn thấp bởi người dân còn lo ngại phản ứng sau tiêm dẫn đến nhiều gia đình không cho trẻ đi tiêm chủng hoặc quên lịch tiêm chủng, hoặc trẻ bị ốm dẫn đến bỏ lịch tiêm.
Vậy đâu là giải pháp? Theo các chuyên gia y tế, phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ là không thể tránh khỏi, vì đây là phản ứng gây ra do một, hoặc nhiều thành phần của vắc-xin. Nó cũng là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc-xin, có thể xảy ra ngay cả khi vắc-xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển an toàn và chỉ định một cách chính xác. Các phản ứng sau tiêm ở trẻ chủ yếu là đau, sưng, hoặc đỏ tại chỗ tiêm, sốt, phát ban, viêm kết mạc... chiếm khoảng từ 5 đến 10% và hầu hết các phản ứng vắc-xin là nhẹ và tự khỏi. Đôi khi có trường hợp phản ứng nặng, nếu được theo dõi sát sau tiêm chủng đúng quy trình thì trẻ cũng được phát hiện và xử trí kịp thời. Chính vì thế biện pháp tốt nhất để phòng ngừa dịch bệnh, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác một cách chủ động và hiệu quả, vắc xin vẫn là lựa chon số 1 cho cộng đồng. Cụ thể:
Để chương trình tiêm chủng vắc xin duy trì được thành quả, y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đơn vị có liên quan tuyên truyền đến mọi người dân về lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Điều đó không chỉ làm giảm tỷ lệ mắc và chết, giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh thể chất và trí não, mà còn giúp giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật.
Các gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần thực hiện đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ và dúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, nhất là theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng một đến hai ngày sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.
Ngành y tế các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng an toàn. Thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Các cơ sở khám, chữa bệnh thiết lập khu vực riêng khám, chữa bệnh, thực hiện khám sàng lọc, phân loại người bệnh, khử khuẩn buồng bệnh nhằm hạn chế lây nhiễm chéo... Đây là những giải pháp thiết thực để phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng ở nước ta hiện nay.
Long Cảnh