Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm giữa năm 2022, số ca COVID-19 trên toàn cầu tăng 30%. Nguyên nhân là do 2 dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 gây ra làn sóng bùng phát mới.
Việt Nam Kể từ đầu dịch đến nay đã vượt qua con số 10 triệu ca nhiễm, (bình quân cứ 1 triệu người có hơn 100.000 ca nhiễm).
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chúng Omicron. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Vậy làm thế nào để phòng dịch bệnh COVID-19 hiện nay?
TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19
Bộ Y tế nhấn mạnh, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đến tháng 2/2022, Việt Nam gần như đã bao phủ được hết các mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 cơ bản cho người 12 tuổi trở lên.
Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, miễn dịch đối với người tiêm đã giảm. Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm nhiều hơn.
Do đó, cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi để duy trì miễn dịch cộng đồng.
Vì sao cần phải tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, mũi 4?
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là rất lớn.
Tại Việt Nam, hiện nay đã kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh COVID-19, cuộc sống người dân trở lại bình thường nên nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, bệnh, kể cả việc tiêm vắc xin nên cũng đang tiềm ẩn nguy cơ dịch quay trở lại.
Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%. WHO khuyến cáo sau 4-6 tháng cần tiêm liều tăng cường trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao. WHO nhấn mạnh. "Chúng ta không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Trên toàn cầu các biến thể mới ngày càng gia tăng làm tăng số mắc trên toàn cầu".
Vì vậy, việc cần thiết phải tiêm vắc xin để phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn này là rất quan trọng. Người dân cần thực hiện tiêm liều tăng cường để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước các biến chủng mới của vi rút SARS-COV-2.
Tại Quảng Nam, hiện nay ngành Y tế đang triển khai tiêm mũi nhắc, tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5-11 tuổi. Để tiêm vắc xin phòng COVID-19, mọi người dân đến điểm tiêm của các cơ sở y tế được tổ chức vào các ngày trong tuần để được tiêm.
Long Cảnh (tổng hợp)