Ngày thế giới phòng chống Lao hay còn gọi là ngày Lao thế giới là ngày 24/3 hằng năm, nhằm nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh Lao. Trên thế giới, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong đứng thứ hai. Tại Việt Nam, bệnh Lao là một bệnh thường gặp nhất.

Bệnh Lao do một loại vi khuẩn gây ra có tên khoa học là Mycobacterium Tuberculosis, là một vi khuẩn rất nhỏ không thể nhìn bằng mắt thường, nó tấn công vào cơ thể ở nhiều bộ phận khác nhau như (lao xương, lao hạch, hoặc lao ở não), nhưng thông thường nhất vẫn là phổi, cơ quan hô hấp. Vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra, lây nhiễm qua đường hô hấp từ người này sang người kia do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, tiếp xúc với chất thải có chất chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho hắt hơi hoặc do thường xuyên hoạt động ở những nơi bị ô nhiễm, nhiều khi uế, nơi ẩm ướt tối tăm, bụi bẩn tạo điều kiện để vi khuẩn lao phát triển gây bệnh. Ngoài ra có thể do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao, khi chăm sóc chúng bị cào xước,.. thì cũng dễ mắc lao da, lao ống tiêu hóa, lao dạ dày,...

Bệnh lao hoàn toàn điều trị được nếu tuân thủ phác đồ điều trị bệnh do Bộ Y Tế đưa ra. Do điều trị phác đồ trong thời gian dài 6- 8 tháng, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ, tránh trường hợp bỏ trị sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc.

tiem phong BCG cho tre em

Tiêm phòng BCG cho trẻ em. Ảnh: T.S

Các dấu hiệu cần chú ý để phòng chống bệnh lao hiệu quả

Người mắc bệnh lao ban đầu thường có các triệu chứng như ho khạc kéo dài trên 2 tuần uống thuốc vẫn không khỏi bệnh, chán ăn, mệt mỏi, da xanh, thiếu máu. Nếu bệnh tiến triển nặng  người bệnh thường xuyên bị đau ngực và khó thở, sốt cao trong 2 tuần liền, về buổi chiều thường hay sốt nhẹ, gầy yếu sút cân 1 cách nhanh chóng, ra mồ hôi về đêm,...

Người bệnh lao nên làm gì?

Khi phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ về bệnh lao nên đi khám bác sỹ ngay để có biện pháp phù hợp; tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, dùng thuốc phối hợp đúng, đủ, đều để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc; không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói; người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, sau đó luộc sôi khăn tay sau khi giặt bằng xà phòng hoặc đốt khăn giấy. Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu; người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để chống đỡ bệnh tốt hơn; điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng.

Cách phòng và chữa bệnh lao tại cộng đồng

Điều trị bệnh lao đúng cách, sẽ giảm lây một cách nhanh chóng, thường chỉ 2 tuần lễ. Biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất là điều trị khỏi cho những bệnh nhân lao phổi. Tiệt trùng chăn, màng, ra, gối, chiếu,.. bằng cách nhúng trong nước sôi, phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn lao. Vệ sinh môi trường: nhà cửa thông thoáng, không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn giấy gom đờm đốt đi.

Tiêm phòng vắc xin BCG nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Để vắc xin phát huy được tác dụng cần lưu ý: tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng; vắc xin phải được bảo quản đúng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ dây truyền đến từng liều sử dụng cho trẻ. Tiêm hiệu quả là khoảng 3 đến 4 tuần sau tiêm, tại chỗ tiêm sẽ có một nốt sưng nhỏ. Vết sưng hóa mủ và rò dịch trong vài tuần rồi kín miệng đóng vảy. Khi lớp vảy bong ra sẽ để lại một sẹo nhỏ, màu trắng, có thể hơi lõm. Đó là dấu hiệu nhận biết một người đã được tiêm phòng lao. 

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trẻ từ 0-14 tuổi mà sống cùng nhà với người bệnh lao phổi. Hoặc với người lớn nhiễm HIV hiện không mắc lao cần được điều trị lao tiềm ẩn bằng thuốc isoniazid. Thời gian uống đối với người lớn là 9 tháng, trẻ em là 6 tháng.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Do tỷ lệ lưu hành cao cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao. Vì thế mỗi người dân cần có kiến thức để bảo vệ mình và người thân để phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi ra cộng đồng xung quanh. Năm 2021 là năm then chốt trong cuộc chiến chấm dứt bệnh Lao. Hàng triệu mạng sống phụ thuộc vào sự thành công của những nỗ lực tập thể nhằm tăng cường công tác phòng chống Lao hướng tới đạt được mục tiêu toàn cầu năm 2022 như cam kết của các nguyên thủ quốc gia trong Tuyên bố chính trị tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về bệnh Lao năm 2018. Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay là – “Đã đến lúc”, nhấn mạnh  toàn bộ các cấp, các ban ngành của chính phủ, các đối tác, xã hội dân sự, cộng đồng và các cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh Lao cần cấp bách thực hiện những hành động nhằm chấm dứt sự chịu đựng nỗi đau bệnh tật không đáng cóvà các ca tử vong do bệnh Lao gây ra.

Ở cấp độ quốc gia, chúng ta cần làm gì trong năm 2021 để thay đổi tình hình?

Thứ nhất, cần phải thấy rằng nếu chỉ có ngành y tế tham gia, chúng ta không thể chiến thắng bệnh Lao. Chấm dứt bệnh Lao đòi hỏi toàn bộ các ban ngành và toàn thể xã hội cùng phối hợp hành động để có thể cung cấp dịch vụ phù hợp, hỗ trợ và tạo ra một môi trường an toàn ở đúng nơi và đúng thời điểm. Mỗi cá nhân, cộng đồng,  doanh nghiệp,  chính phủ và cả xã hội đều có vai trò của mình trong cuộc chiến này..  

Thứ hai, tất cả bệnh nhân Lao cần được tiếp cận xét nghiệm chẩn đoán nhanh bệnh Lao bằng kỹ thuật sinh học phân tử và điều trị - bao gồm liệu trình điều trị hoàn toàn bằng thuốc uống cho bệnh nhân Lao kháng thuốc và các chăm sóc cần thiết. Đây là vấn đề về công bằng xã hội, là nền tảng của mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO. Nhằm nhanh chóng cải thiện việc tiếp cận với dịch vụ y tế và san bằng khoảng cách trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Tổng Giám đốc WHO, Ts Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra sáng kiến - tầm soát. Điều trị tất cả bệnh nhân để Chấm dứt bệnh Lao - hiện đang được phối hợp thực hiện cùng với Liên minh phòng chống Lao toàn cầu  và Quỹ Toàn cầu. Cùng đóng góp chung vào nỗ lực này còn có những sáng kiến khác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Sáng kiến Chiến lược của Quỹ Toàn Cầu.

Thứ ba, chúng ta cần khẩn cấp ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế công cộng về bệnh Lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Hiện nay chỉ 1 trong 3 người cần điều trị Lao đa kháng thuốc có thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế này. Việc này ảnh hưởng vô cùng lớn đến bệnh nhân Lao đa kháng thuốc và gia đình của họ cũng như cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, WHO đã ban hành hướng dẫn điều trị Lao đa kháng thuốc và các khuyến nghị kịp thời nhằm hỗ trợ điều trị tốt hơn cho bệnh nhân Lao đa kháng thuốc và cứu sống thêm nhiều bệnh nhân. WHO đang cùng phối hợp với Chương trình phòng chống Lao quốc gia để áp dụng các hướng dẫn này tại Việt Nam.

Thứ tư, chúng ta cần cải thiện tiếp cận điều trị dự phòng nhằm ngăn chặn chuyển từ Lao tiềm ẩn sang mắc bệnh Lao. Ước tính khoảng một phần tư dân số thế giới bị nhiễm Lao tiềm ẩn. Mặc dù số người tiếp cận với điều trị dự phòng Lao đã gia tăng trong những năm gần đây nhưng độ bao phủ còn thấp. WHO đã đặc biệt khuyến nghị  điều trị Lao tiềm ẩn trong hai nhóm ưu tiên: những người sống cùng nhà hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân Lao bao gồm cả trẻ em dưới 5 tuổi, và người sống chung với HIV. Hiện tại đã có nhiều lựa chọn điều trị dự phòng an toàn trong  thời gian ngắn hơn với chi phí thấp phải chăng. Chúng ta cần tận dụng những cơ hội này để bảo vệ người dân khỏi bệnh Lao.

Thứ năm, chúng ta cần thực hiện các chính sách riêng cho người nghèo nhằm giảm phân biệt đối xử. Việc này sẽ giúp đảm bảo người dân cảm thấy thoải mái và thuận tiện  khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời.

Thứ sáu, cần thúc đẩy hơn nữa các nghiên cứu chuyên sâu về Lao. Chúng ta cần thêm nhiều phương pháp chẩn đoán mới, thuốc điều trị và vắc xin mới từ công tác nghiên cứu nếu muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030. Vai trò của các nghiên cứu về bệnh Lao rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh Lao. Xin hoan nghênh Việt Nam đã thành lập trung tâm nghiên cứu bệnh Lao.

Thông điệp gửi tới mọi người:

Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chữa khỏi bệnh lao là cách phòng bệnh tốt nhất!”

Những điều nên và không nên làm đối với thầy thuốc:

Không nên: không bao giờ chữa người nghi lao mà không xét nghiệm đàm; không bao giờ kê đơn dùng một loại thuốc đơn độc; không bao giờ bổ sung thêm chỉ một loại thuốc vào một phác đồ đã tỏ ra không kết quả; không bao giờ bỏ theo dõi bệnh nhân, cần đảm bảo bệnh nhân đã điều trị đủ thời gian quy định; không bao giờ phối hợp Streptomycin và Penicilline trong trường hợp chưa rõ mắc Lao; không bao giờ chữa bệnh mà chỉ dựa vào lời quảng cáo của Công ty dược phẩm.

Nên: làm xét nghiệm đàm; chỉ điều trị bằng các phác đồ đã được quy định; phải thiết phục bệnh nhân và gia đình điều trị cho đủ thời gian; cần có thái độ gần gũi, chân tình với bệnh nhân; người dân cần chủ động tiếp cận các dịch vụ y tế để được khám, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao.

Nguyễn Thị Sương

Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam