Trong những năm qua, công tác Truyền thông y tế đã được quan tâm và phát triển hơn trước. Đặc biệt, truyền thông y tế càng thể hiện vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các thông tin y tế sức khỏe trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Y tế là một ngành đặc thù, việc truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân từ đó không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội. Để được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt, để mối quan hệ cán bộ y tế với nhân dân, cán bộ y tế với người bệnh thực sự là những người bạn thấu hiểu, chia sẻ với nhau, thì công tác truyền thông y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cần được ưu tiên.

NC sk

Truyền thông y tế chủ động, đa dạng kênh thông tin
Một trong những thành công lớn nhất của công tác truyền thông y tế trong thời gian gần đây là truyền thông về phòng chống, dịch bệnh COVID-19. Sự kết hợp một cách hiệu quả những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, đặc thù của từng địa phương trên cả nước, truyền thông phòng chống dịch COVID-19 đã tạo được niềm tin của người dân và huy động người dân tham gia vào chiến dịch phòng chống COVID-19 cùng với sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị các cấp.
Truyền thông phòng chống dịch COVID-19 cho thấy rõ hiệu quả của việc truyền thông chủ động, đa dạng kênh thông tin chính thống tạo nên dòng thông tin chủ đạo chính xác, khách quan và minh bạch, giúp người dân hiểu rõ và hưởng ứng cách thức chống dịch của Chính phủ; giúp ngành y tế xử lý kịp thời các thông tin nóng liên quan, giảm thiểu khủng hoảng truyền thông, tạo được dư luận tích cực. Cùng với đó, dựa vào lợi thế của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0, công tác truyền thông y tế đã kịp thời ứng dụng để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch trên phuong tiện nền tảng mạng xã hội phổ biến (Facebook, Youtube,...) và ứng dụng trên điện thoại di động (Zalo). Tăng cường kết nối các trang mạng xã hội (Fanpage, Youtube, Zalo) của các cơ quan y tế với các đơn vị, địa phương và người dân.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, cùng với nguy cơ từ các dịch bệnh đang lưu hành, thì truyền thông y tế phải chủ động, đa dạng kênh thông tin cần chủ động và phát huy hơn nữa để duy trì thành quả phòng chống dịch cũng như thành quả trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Vì sao cần ưu tiên công tác truyền thông y tế?
Từ thực tế công tác truyền thông trong những năm qua cho thấy, truyền thông đi trước một bước, truyền thông định hướng dư luận sẽ tạo thế chủ động, thậm chí “chắc thắng” khi đấu tranh với các thông tin sai trái trong dư luận, giảm những bức xúc không đáng có với ngành y tế. Do đó việc ưu tiên đối với công tác truyền thông là đặc biệt cần thiết, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, báo chí chính thống phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội.
Công tác truyền thông y tế đến người dân trong những năm qua đã được ngành Y tế quan tâm, được đầu tư và mở rộng. Mối quan hệ hợp tác giữa ngành tế với các cơ quan báo chí cũng được mở rộng với định hướng rõ ràng vì lợi ích sức khỏe của nhân dân. Nhờ vậy, người dân hiểu biết nhiều hơn về ngành y tế, những khó khăn, thách thức của ngành, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn.
Truyền thông y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Truyền thông y tế không chỉ là những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, không chỉ là những lời khuyên chăm sóc sức khỏe, tạo ra những thói quen có lợi cho sức khỏe, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Do vậy rất cần sự ưu tiên về chính sách và nguồn lực, đặc biệt là các trang thiết bị hiện đại, phù hợp với công nghệ 4.0 để truyền thông y tế luôn đi trước và song hành trên mọi lĩnh vực của ngành y tế.
Những giải pháp truyền thông y tế hiệu quả
Cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân phù hợp điều kiện của từng địa phương để lập kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông y tế.
Tiếp tục tăng cường truyền thông vận động: phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với vai trò chủ yếu là ngành y tế để chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận cao, sự thống nhất trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Lồng ghép thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ truyền thông y tế với chương trình, dự án tại địa phương như xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa và các phong trào, cuộc vận động đang được triển khai. Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ và kênh thông tin phản hồi giữa các cơ sở y tế với các cơ quan truyền thông đại chúng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để định hướng thông tin và dư luận; tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm của xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên mạng xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chú trọng phát triển các loại hình truyền thông mới (trên nền tảng Internet và mạng điện thoại di động) đang được chú ý và có hiệu quả cao, để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến người dân.
Thực hiện đúng quy định tại Luật Tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện truyền thông y tế cho cán bộ truyền thông các cấp; đào tạo kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin y tế cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế, chú trọng cán bộ trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Huy động nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông y tế, chú trọng đầu tư các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ truyền thông y tế.
Thường xuyên chỉ đạo, quản lý, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông y tế tại tất cả các tuyến. Tăng cường tuyên truyền thành tựu y học, gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, biểu dương và khen thưởng kịp thời những cá nhân xuất sắc, điển hình tiên tiến, các đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ truyền thông y tế.

Long Cảnh