Sáng ngày 28/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19; cập nhật và hướng dẫn sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các đơn vị y tế thuộc 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban điều trị chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: T.A
Hội nghị triển khai các nội dung như: công tác điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh và đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19; cập nhật hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản 5 (QĐ 2008/QĐ BYT ngày 26/4/2021); phòng, chẩn đoán và xử lý phản vệ; hướng dẫn chẩn đoán điều trị hội chứng giảm tiểu cầu và huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19; chẩn đoán và xử trí giảm tiểu cầu huyết khối do vắc xin; huyết khối tĩnh mạch não sau tiêm vắc xin COVID-19 Astrazenica. Hội nghị với mục đích nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị COVID-19 và xử lý các sự cố sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Để đảm bảo việc an toàn hơn nữa đối với công tác tiêm chủng, ngày 15/4/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 gồm các chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, hồi sức tích cực, cấp cứu, tim mạch, huyết học… của Bộ Y tế.
Được biết, tính đến ngày 26/4/2021 đã có 259.736 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng trên toàn quốc được tiêm vắc xin COVID-19. Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Thùy An - Viết Thạnh