TS.BS. Trần Văn Kiệm - GĐ CDC Quảng Nam
SARS-CoV-2 được xác định vào cuối năm 2019 là nguyên nhân gây nên đại dịch COVID-19 đã đặt ra vấn đề cấp bách về nghiên cứu để phát triển vắc-xin. Nhiều tổ chức sử dụng bộ gen được công bố để phát triển một loại vắc xin có thể có khả năng chống lại SARS-CoV-2.
Vắc-xin phòng (hoặc ngừa) COVID-19 đang được phát triển như thế nào?
Vắc-xin hoạt động bằng cách mô phỏng các tác nhân gây bệnh như vi-rút, vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác. Điều này “dạy” cho hệ miễn dịch của chúng ta cách đề kháng nhanh chóng và hiệu quả. Thông thường, vắc-xin sẽ đưa vào cơ thể tác nhân gây bệnh ở trạng thái suy yếu để hệ miễn dịch có thể ghi nhớ. Bằng cách này, hệ miễn dịch của chúng ta có thể nhanh chóng nhận biết và tiêu diệt tác nhân gây bệnh trước khi chúng phát tác nếu chúng quay trở lại. Đó là cơ chế phát triển một số loại vắc-xin hiện nay, bao gồm vắc-xin phòng COVID-19 của Oxford-AstraZeneca.
Các loại vắc xin phòng COVID-19 đang phát triển và sử dụng hiện nay trên thế giới: Vắc xin bất hoạt, vắc xin sử dụng véc-tơ vi-rút, vắc xin protein tái tổ hợp, vắc xin DNA, vắc xin RNA, vắc xin vỏ vi rút, vắc xin sống giảm động lực. Tính đến ngày 22/02/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã phê duyệt 03 loại vắc xin COVID-19 được sử dụng trong tình trạng khẩn cấp: vắc xin Pfizer/BioNTech sử dụng công nghệ RNA, vắc xin AstraZeneca/SKBio và vắc xin Serum Institute of India Pvt Ltd - COVISHIELD™ sử dụng công nghệ véc-tơ vi-rút. Hiện nay Việt Nam đã nhập khẩu và triển khai tiêm vắc xin của hãng AstraZeneca,
Đôi nét về vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca
Được sự hỗ trợ của Liên minh COVAX và sự chủ động của một doanh nghiệp trong nước, lô vắc - xin ngừa COVID-19 đầu tiên do AstraZeneca sản xuất đã được đưa về Việt Nam. Vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca được WHO phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp vào ngày 15/02/2021. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 25 quốc gia cấp phép cho sử dụng vắc - xin này, trong đó có Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, đã có 4 quốc gia phê duyệt vắc - xin này chủ yếu với lý do về khả năng tiếp cận nguồn vắc- xin. Vắc - xin trải qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng tại 4 quốc gia với tỉ lệ bảo vệ khoảng 63% chống lại lây nhiễm, tuy nhiên theo hãng sản xuất, khả năng phòng các trường hợp nặng phải nhập viện và tử vong khi tiêm đủ liều lên tới gần 100%. Những nhóm nguy cơ được WHO khuyến cáo sử dụng gồm: Nhóm người trên 65 tuổi; nhóm người mắc bệnh nền; nhóm phụ nữ mang thai; nhóm phụ nữ cho con bú; nhóm người có nguy cơ tiếp xúc HIV (không cần thiết phải xét nghiệm nhiễm HIV trước khi tiêm vắc xin); nhóm người bị suy giảm miễn dịch (có thể tiêm vắc - xin nếu họ thuộc nhóm nguy cơ); nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó (vẫn có chỉ định tiêm chủng tuy nhiên không tiêm cho nhóm đang có xét nghiệm dương tính và chỉ tiêm sau khi điều trị khỏi 6 tháng).
Việc phát triển vắc xin tại Việt Nam
Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19. Trong đó vắc xin NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc xin của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vắc xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin uy tín trên thế giới. Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 của chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Những ưu điểm cuả các vắc xin COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu, phát triển:
Đối với vắc xin NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh. Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan. Và dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc xin NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó. Trước đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax cũng đã rút ngắn thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng;
Đối với vắc xin COVIVAC mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá có chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giá thành dự kiến của vắc xin này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng ½ giá vắc xin hiện có trên thị trường). Rút kinh nghiệm từ vắc xin NanoCovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 của vắc xin COVIVAC sẽ nhanh hơn.
Về vắc xin của VABIOTECH dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác nên có bước chậm hơn nhưng đến nay các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan, và dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4/2021. Ưu điểm của vắc xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Với triển vọng của các loại văc xin đang phát triển tại Việt nam, các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học khẳng định chúng ta đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc xin. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vắc xin đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới chúng ta sẽ có thể triền khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam.
Hướng dẫn an toàn tiêm vắc xin phòng COVID-19
Giải quyết nhu cầu khẩn cấp về tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đã nhập khẩu vắc xin của AstraZeneca, theo đó bắt đầu triển khai tiêm vào ngày 08/3/2021.
Để đảm bảo hiệu quả, an toàn tiêm cho vắc xin của AstraZeneca cũng như vắc xin phát triển của Việt Nam thời gian tới, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 về tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:
Cơ sở thực hiện tiêm chủng phải đủ điều kiện, thực hiện tiêm chủng theo Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Các hoạt động chuẩn bị trước khi tiêm chủng: Điều tra, lập danh sách đối tượng, lập kế hoạch tiêm chủng; cơ sở vật chất cần bố trí khu vực chờ trước tiêm chủng, sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút, bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách,… chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, thực hành đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch, các bước thực hiện tiêm chủng.
Hiện việc tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, các tác dụng phụ trong giới hạn bình thường, tuy nhiên vấn đề theo dõi sau tiêm chủng vô cùng quan trọng, trong hướng dẫn Bộ Y tế sau khi tiêm chủng cần theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), tím tái, khó thở... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến. Tổng hợp các trường hợp tai biến nặng, báo cáo theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 14, 15, 16 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế; xử lý chất thải, ghi đầy đủ thông tin vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng và trên phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng và thông báo cho người được tiêm chủng về lịch tiêm mũi tiếp theo; ghi ngày tiêm chủng và ghi chép các sự cố bất lợi sau tiêm chủng trên phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng, cấp phiếu xác nhận đã được tiêm chủng theo mẫu, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
Hy vọng với những nỗ lực từ nhiều phía, người dân cần yên tâm hơn và tin tưởng, hợp tác về vấn đề tiêm vắc xin COVID-19 đang được triển khai và dịch bệnh COVID-19 sẽ được khống chế thành công trong thời gian không xa.