NGÀNH Y TẾ QUẢNG NAM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT SỐT XUẤT HUYẾT
Ánh Minh - Thùy An
Theo nhận định từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam), tình hình Sốt xuất huyết (SXH) sắp bước vào giai đoạn cao điểm, nguy cơ dịch có thể bùng phát và kéo dài. Hiện nay, qua các đợt kiểm tra và giám sát đã phát hiện một số ổ dịch nhỏ tại các địa phương như: Điện Bàn, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên,… Để chủ động phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết (SXH), ngành Y tế Quảng Nam đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại nơi xuất hiện và có khả năng khởi phát ổ dịch, qua đó kịp thời phát hiện ổ dịch, ca bệnh cũng như nhắc nhở người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, chủ động phòng SXH.
Công tác giám sát SXH diễn ra từ ngày (27/5-28/5) và (11-12/6) tại huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên, Tp Tam Kỳ. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã khảo sát thực địa tại các khu dân cư, đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh giúp bà con biết cách vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tận tình hướng dẫn cho bà con cùng thực hiện, với quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch, kịp thời giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 18 ổ dịch SXH với 840 ca mắc, số ca mắc giảm 15,2 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị xã Điện Bàn là nơi xuất hiện nhiều ổ dịch nhất, với 8 ổ dịch, Phú Ninh 4 ổ dịch. Tuy nhiên các ổ dịch này đã được khống chế hoàn toàn. Hiện nay, còn 4 ổ dịch mới xuất hiện và hoạt động tại huyện Đại Lộc, Thăng Bình và Duy Xuyên đang được theo dõi chặt chẽ, khống chế tránh tình trạng bùng phát trong cộng đồng.
Bs.CKI Huỳnh Công Quang - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Qua buổi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy công tác chuẩn bị của tuyến huyện, tuyến xã tương đối tốt, đặc biệt UBND các xã vận động bà con tham gia diệt muỗi, phòng bệnh. Tuy nhiên, còn một số điểm khi đi vào kiểm tra thực địa người dân vẫn còn chủ quan chưa xem công tác diệt bọ gậy là công tác chính trong phòng chống SXH. Khi kiểm tra thì chỉ số bọ gậy vẫn còn cao trong các hộ gia đình, và đây là nguyên nhân gây SXH, do vậy, đối với những khu dân cư này, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra, giám sát, nhắc nhở bà con thường xuyên, để bà con thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng bệnh SXH.”
Đánh giá đợt điều tra thực địa lần này, đoàn công tác cho biết, chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng và bọ gậy ở một số hộ gia đình còn ở ngưỡng cao. Tại một số điểm giám sát, bên cạnh khuyến cáo, tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết, đoàn kiểm tra, giám sát đã hướng dẫn trực tiếp cho bà con các biện pháp phòng bệnh như: không để các dụng cụ chứa đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, diệt lăng quăng bọ gậy, ngủ màn, dọn vệ sinh sạch sẽ, giữ môi trường thông thoáng, mặc quần áo dài tay,… Chị Đoàn Thị Lệ, (Phường An Mỹ, Tp Tam Kỳ) cho biết:“Gia đình tôi cũng thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ngủ màn, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, nhất là mảnh sành bể, chai lọ vỡ lật úp hết để bọ gậy không sinh sôi nảy nở nữa.”
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, Ngành Y tế đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền thông qua loa đài địa phương, pano, tờ rơi, phối hợp chính quyền địa phương vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Tam Phú, huyện Phú Ninh) chia sẻ: “Lâu nay Đài phát thanh địa phương cũng có tuyên truyền về dịch SXH, Trạm y tế xã đã phát tờ rơi tuyên truyền nên gia đình tôi cũng hiểu rõ về tác hại của bệnh SXH. Những ngày trước, cán bộ xã vận động các hộ gia đình tham gia dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, dọn hết các rác bẩn, chai lọ quanh khu ở, bà con chúng tôi tranh thủ buổi chiều đi làm về cùng nhau tham gia dọn dẹp tích cực, nên mấy hôm nay muỗi cũng ít hơn hẳn.”
Bs.CKI Huỳnh Công Quang cho biết thêm, mỗi người dân chúng ta cần chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy thường xuyên mới hạn chế được số mắc SXH. Thời gian đến, chính quyền địa phương và ngành Y tế triển khai chiến dịch phun hóa chất cho vùng trọng điểm xã nguy cơ, chúng tôi đề nghị bà con hưởng ứng. Đặc biệt, mỗi người dân phải tự vận động, huy động mọi người hủy bỏ các dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ thường xuyên, ít nhất 1 lần/tuần, với phương châm: “Không có bọ gậy, không có muỗi thì không có SXH.
SXH là bệnh phổ biến, có thể phòng và điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. Do vậy, để phòng ngừa SXH, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp khuyến cáo phòng bệnh: phối hợp với chính quyền, ngành Y tế để diệt muỗi, hạn chế sinh sôi lăng quăng, bọ gậy; hạn chế xuất hiện ổ dịch mới; hạn chế số ca mắc SXH trong cộng đồng./.
CẦN BIẾT VỀ NHIỄM COVID-19 KHÔNG TRIỆU CHỨNG
TS.BS Trần Văn Kiệm
Thời gian qua, bằng sự đồng lòng của toàn dân cùng niềm tin và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam chúng ta đã có được thành công trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch COVID -19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nguy cơ vẫn còn đe dọa với chúng ta, nguy hiểm nhất là những trường hợp nhiễm covid-19 không triệu chứng.
Biểu hiện các triệu chứng lâm sàng chính của COVID-19 ngay từ đầu đã được xác định như sốt, ho, tức ngực, khó thở... nhưng đến nay nhiều nước kể cả tại Việt Nam đã có công bố về người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng.
Người mang mầm bệnh không triệu chứng là gì?
Nói đến mang mầm bệnh không triệu chứng, người ta muốn ám chỉ mầm bệnh ở đây là vi sinh vật (virrus, vi khuẩn) gây bệnh. Người mang mầm bệnh không có triệu chứng, có nghĩa là người đang mang mầm bệnh trong cơ thể nhưng vẫn khỏe mạnh hoặc đã bị nhiễm mầm bệnh, nhưng không có dấu hiệu cũng như triệu chứng nào. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi chính mầm bệnh nhưng người mang mầm bệnh vẫn có thể truyền bệnh cho người khác hoặc phát triển các triệu chứng ở giai đoạn sau của bệnh. Vì vậy, đã từ lâu “người mang mầm bệnh không triệu chứng” đã được các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm rất quan tâm. Hay gặp nhất người lành mang mầm bệnh không triệu chứng như vi khuẩn (thương hàn, tả, lỵ, bạch hầu...), virus (cúm, HIV, SARS...). Những người mang mầm bệnh không triệu chứng này sẽ gieo rắc mầm bệnh ra môi trường, làm cho nhiều người bị lây nhiễm và mắc bệnh, thậm chí bùng phát thành dịch, đại dịch (dịch tả, dịch lỵ, dịch bạch hầu, dịch cúm A...). Do mang mầm bệnh không có triệu chứng nên bản thân người mang mầm bệnh cũng như những người xung quanh và cả cán bộ y tế cũng không thể nào nắm bắt được, chỉ trong trường hợp nghi ngờ mới tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết mới hy vọng phát hiện được.
Một số người mang mầm bệnh không triệu chứng
Người mang mầm bệnh không triệu chứng là người đã bị vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể nhưng do cơ thể có sức đề kháng mạnh sẽ ức chế được sự phát triển của vi sinh vật (không cho chúng nhân lên) cho nên không thể gây bệnh nên không có triệu chứng lâm sàng. Hoặc do số lượng vi sinh vật xâm nhập cơ thể với số lượng ít chưa thể gây bệnh được nên không có triệu chứng nào xuất hiện. Với dạng này, mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể và chưa gây bệnh nhưng khi sức đề kháng của cơ thể vì một lý do nào đó suy giảm, vi sinh vật sẽ phát triển nhanh chóng và gây bệnh. Dạng người lành mang mầm bệnh không triệu chứng này hết sức nguy hiểm dù chưa mắc bệnh nhưng có thể đào thải ra môi trường bên ngoài làm cho nhiều người có thể phơi nhiễm, mắc bệnh và nguy cơ thành dịch, thậm chí đại dịch.
Trường hợp người mang mầm bệnh không triệu chứng nữa là những bệnh nhân mầm bệnh đã xâm nhập cơ thể, chúng đang ở giai đoạn thích nghi với điều kiện mới để nhân lên và gây bệnh, gọi là thời kỳ ủ bệnh. Ở giai đoạn này hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều chưa có triệu chứng lâm sàng nào. Giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc lực của vi sinh vật gây bệnh, số lượng vi sinh vật xâm nhập, sức đề kháng của cơ thể... Tương tự, trong trưởng hợp này cả người bệnh, người xung quanh và cán bộ y tế cũng không thể biết được nên điều nguy hiểm nhất là mầm bệnh rất dễ lây lan ra xung quanh, lây cho những người giao tiếp, đặc biệt là những người tiếp xúc gần.
Bên cạnh đó còn có một số trường hợp người mang mầm bệnh không triệu chứng nữa là người mang vi sinh vật trên da, tay, chân, quần áo... mà chưa xâm nhập vào trong nên chưa làm tổn thương cơ thể nên không có triệu chứng. Trong trường hợp này, vi sinh vật gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ lúc nào và có khả năng làm lây lan ra môi trường xung quanh rất lớn.
COVID-19 không triệu chứng
Ðối với COVID-19 cũng không nằm ngoài quy luật “người mang mầm bệnh không triệu chứng” như trên nhưng mức độ của người mang SARS-CoV-2 không triệu chứng này nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi dịch bệnh đã diễn ra khắp toàn cầu, đã có hàng trăm ngàn người tử vong và nguy cơ hàng triệu người nhiễm SARS-CoV-2, trong khi đó sự giao lưu, đi lại giữa các châu lục bằng nhiều phương tiện khác nhau lại rất dễ dàng, thuận tiện, vì vậy, mức độ tiếp xúc là cực kỳ lớn và mức độ lây lan mầm bệnh là khó tiên đoán cụ thể được. Thêm vào đó phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là dùng vắc-xin để phòng SARS-CoV-2 chưa có và thuốc điều trị hữu hiệu cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Vậy đứng trước nguy cơ diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề nhiễm covid-19 không triệu chứng, đòi hỏi vấn đề chống dịch sang giai đoạn mới vẫn còn phải cảnh giác cao. Các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại. Trong đó kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Tất cả người nhập cảnh đều phải được cách ly tập trung 14 ngày; trừ các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao thì có biện pháp cách ly phù hợp, chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly các trường hợp này.
Hiện nay cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.