Vừa qua tại Quảng Nam Bão lũ đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà, làng mạc, tài sàn và cả tính mạng của người dân. Không chỉ vây, sau mưa lũ người dân còn phải đối mặt với nguy cơ nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Theo Ts.Bs Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), việc chủ động phòng chống dịch bệnh là điều mà CDC Quảng Nam cần hỗ trợ làm ngay lúc này để đảm bảo sức khỏe và ổn định lại đời sống người dân sau những ngày bão lũ.
Kịp thời hỗ trợ phương tiện, nhân lực phòng chống dịch, bệnh
Ngay sau bão lũ CDC Quảng Nam đã được Bộ Y tế và Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ hơn 1.100 kg cloramin B, 1.220.000 viên Aquatabs, 50 cơ số thuốc, 25 bộ dụng cụ phòng, chống bão lụt, tất cả được cấp cho các Trung tâm y tế 18 huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ người dân vệ sinh nước, vệ sinh môi trường,… phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.
Song đó, công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ trong công tác vệ sinh môi trường cũng được CDC đẩy mạnh. Ngay sau bão lũ, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra công tác vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải, xác động vật chết, cung cấp phương tiện và hướng dẫn khử khuẩn nước, kiểm tra chất lượng sạch của các cơ sở cấp nước,… tại các huyện ngập sâu và bị thiệt hại nặng nề sau bão như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My…
Để Kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm vùng lũ lụt, Trung tâm cũng đã triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh ngay sau khi nước rút và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật khi có dich bệnh xảy ra.
TS.BS Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Trung tâm đã phân bổ theo nhu cầu các trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp sau bão lụt cho các huyện. Chỉ đạo các đội phòng chống bệnh truyền nhiễm của CDC bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt sau lũ lụt, với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước đến đó. Trước mắt tập trung cho các huyện ngập sâu”.
Đề phòng các dịch bệnh phổ biến
Sau mưu lụt do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh như: đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
Để phòng bệnh, Ts.Bs Trần Văn Kiệm cho rằng bên cạnh công tác vệ sinh môi trường, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nâng cao hiểu biết, tự phòng chống các loại dịch bệnh thường gặp sau bão lũ.
Người dân cần chọn những thực phẩm hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi; vệ sinh và làm sạch các ngón chân khi tiếp xúc với nguồn nước nhiễm bẩn. Mưa bão sẽ làm tồn đọng nước xung quanh nhà ở, dễ sinh sôi lăng quăng, bọ gậy, do vậy, người dân cần diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng, ngủ màn,...; vệ sinh nguồn nước giếng sinh hoạt theo đúng quy định; thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Long Cảnh