HIV là tên gọi tắt của virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV tấn công vào hệ miễn dịch của người, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của người nhiễm HIV ngày càng bị suy giảm và dẫn đến bị vô hiệu hoá. AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra. Hay nói cách khác AIDS là giai đoạn cơ thể bị suy giảm miễn dịch nặng. Khi bước vào giai đoạn AIDS, cơ thể con người không còn khả năng chống đỡ với bệnh tật nữa, do đó các tác nhân gây bệnh khác (vi khuẩn, virus) dễ dàng xâm nhập và phát triển tự do trong cơ thể, gây ra các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng, có thể dẫn đến tử vong. Như vậy HIV không trực tiếp “giết chết” cơ thể, mà nó chỉ làm suy giảm miễn dịch, làm cho cơ thể của chúng ta mất sức đề kháng đối với các loại bệnh tật.

HIV lây qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh con và cho con bú. Theo các thống kê, HIV lây truyền nhiều nhất là qua tiêm chích ma túy do dùng chung bơm kim tiêm, kế đến có thể là mại dâm và đồng tính,... Vì vậy để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả cần chú trọng tới công tác tuyên truyền phòng, tránh tệ nạn ma túy, mại dâm, luật phòng, chống HIV/AIDS, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức đối với các tầng lớp nhân dân trong việc tự bảo vệ mình, gia đình và xã hội. Gắn liền công tác phòng, chống HIV/AIDS với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào quy ước, hương ước của làng, phát huy vai trò của người cao tuổi, trưởng thôn, trưởng dòng họ, các tổ chức đoàn thể địa phương… và triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư,.. 

Đẩy mạnh hiệu quả trong phòng chống HIV/AIDS, thực hiện xét nghiệm HIV sớm đối với người có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ đồng giới … cũng đưa lại hiệu quả cao, tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Việc xét nghiệm HIV sớm sẽ giúp mỗi người biết được mình có bị nhiễm HIV hay không. Nếu kết quả dương tính với HIV, họ sẽ được tư vấn, kết nối điều trị sớm bằng thuốc ARV, nhờ đó hiệu quả điều trị mang lại cao hơn, giúp cho bệnh nhân cải thiện được sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, có thể làm việc và mọi sinh hoạt khác, điều này làm giảm gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và cả gia đình. Đặc biệt việc tuân thủ điều trị ARV sẽ giúp người bệnh đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, từ đó giảm nguy cơ lây lan vi rút sang cho người khác, trong đó có vợ chồng, bạn tình và cả con cái của họ.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện xét nghiệm HIV sớm, trong thời gian tới sẽ có Luật mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống HIV/AIDS, Trong đó đáng chú ý, Luật mới thông qua quy định, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành. Bộ Y tế đề xuất hạ độ tuổi được tự nguyện xét nghiệm HIV tức người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành đã nêu rõ lý do cần sửa đổi:
Thứ nhất, thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm: Theo thông kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ngày càng gia tăng nhanh. Hằng năm, trung bình có 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi 15-19 tuổi, cá biệt có trường hợp mang thai ở tuổi 12-14 là tuổi dậy thì. Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà nội, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên có thai cao hơn khá nhiều so với phụ nữ mang thai ở lứa tuổi lớn hơn.
Thứ hai, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa: Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20. Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.
Thứ ba, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm: Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.
Thứ tư, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong Bộ luật Dân sự: Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đối với các giao dịch cơ bản. Luật HIV/AIDS 2018 của Philippines cũng quy định “Người từ đủ 14 tuổi” được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV. Luật HIV/AIDS 2003 của Papua New Guinea quy định “người từ đủ 12 tuổi được tự yêu cầu làm XN HIV”.
Thứ năm, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm đảm bảo sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời cũng để bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người quy định trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.
Long Cảnh
Tài liệu tham khảo: suckhoedoisong.vn